NHNN khẳng định không siết tín dụng, vì sao người dân vẫn khó vay mua nhà?

Trong cuộc họp với Ngân hàng nhà nước, đại diện các ngân hàng giải thích lý do khó xét duyệt các khoản vay mua nhà của người dân. Điều này sẽ là cơ sở để người có nhu cầu mua nhà có hướng theo dõi, lựa chọn thời điểm thích hợp để quyết định tìm đến tín dụng.

Sau thời gian dài thị trường bất động sản có những diễn biến thiếu tích cực, các cơ quan đầu ngành như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng đã tổ chức các hội nghị để tháo gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc.

Hiểu rõ “thắt chặt tín dụng”

Dưới ý kiến cho rằng những khó khăn của thị trường bất động sản xuất phát từ chính sách thắt chặt tín dụng của các ngân hàng, đại diện NHNN khẳng định cơ quan chưa có văn bản nào nêu vấn đề thắt chặt tín dụng vào BĐS. Việc cho vay phụ thuộc vào thẩm định của các tổ chức tín dụng đối với các doanh nghiệp, nhưng vẫn bảo đảm an toàn hoạt động.

“Cơ quan chỉ kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào một số lĩnh vực, phân khúc có độ rủi ro cao trong lĩnh vực bất động sản, như đầu cơ, doanh nghiệp kinh doanh mang tính đầu cơ, kinh doanh phân khúc hạng cao cấp, giá trị lớn, có tính chất thị trường bong bóng, đóng băng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới hệ thống”, Phó thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị mới đây.

pho-thong-doc-ngan-hang-dao-minh-tu-pld-1676041181.jpeg
Phó thống đốc ngân hàng Đào Minh Tú khẳng định NHNN không siết tín dụng

Đại diện NHNN khẳng định với nhu cầu tín dụng của người dân trong việc mua nhà tự sử dụng, mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn được ngân hàng xem xét bình đẳng như các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác.

Tuy nhiên, trên thực tế, người dân vẫn phản ánh về tình trạng khó phê duyệt khoản vay, vướng mắc trong quy trình giải ngân dẫn tới kế hoạch mua nhà bị trì hoãn.

Chị Ngân Hà (TP.HCM) cho biết sau khi một số dự án chung cư trên địa bàn TP.Thủ Đức đã tìm đến ngân hàng để đặt tiếp cận tín dụng mua nhà, tuy nhiên kết quả không được như mong đợi.

“Thời điểm tôi đi vay là khoảng tháng 7-8/2022, quá trình tư vấn ban đầu thì nhân viên tín dụng hứa hẹn rất nhiều nhưng khâu xét duyệt hồ sơ khó đủ đường. Nào là ngân hàng không hỗ trợ dự án, ngân hàng khác tài khoản nhận lương,… Cuối cùng nhân viên lấy lí do “hết room tín dụng” để từ chối khoản vay của tôi”, chị Hà cho biết.

Nữ khách hàng tìm cơ hội tại nhiều ngân hàng khác nhưng cũng không khả quan. Trao đổi với bạn bè, gia đình một số người chỉ ra nguyên nhân khó vay do thu nhập của chị ổn định hàng tháng mà xoay vòng liên tục vì đang tự kinh doanh nhỏ.

“Lúc đó tôi và chồng sắp cưới, nhiều người khuyên cưới xong hẵng mua, khi đó việc phê duyệt khoản vay sẽ dựa trên thu nhập hợp nhất của cả hai. Tuy nhiên, mãi đến tháng 11 chúng tôi mới xong thủ tục đăng ký kết hôn, lúc này các căn hộ nhắm tới đều đã tăng giá, kinh phí cưới xin đắt đỏ nên phải tăng khoản vay. Cuối cùng vẫn bị từ chối”, chị Hà ngán ngẩm chia sẻ.

siet-tin-dung-pld-1676041181.jpg
Người dân than phiền Ngân hàng thắt chặt xét duyệt các khoản vay mua nhà cá nhân

Ngân hàng lo khách khó trả được nợ

Chia sẻ về vấn đề cho vay cá nhân tại hội nghị tín dụng bất động sản, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết trong năm 2022, ngân hàng vẫn tạo cơ hội cho người dân có nhu cầu vay mua nhà. Tổng kết năm cho thấy, 90% dư nợ cho vay bất động sản của ngân hàng này cho cá nhân.

Với số lượng nhu cầu vay lớn đến thế việc duyệt hồ sơ chắc chắn phải kiếm duyệt thật kỹ lưỡng để không vỡ kế hoạch tín dụng của ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia chịu nhiều áp lực từ lạm phát và lãi suất quốc tế.

 “Nếu so với mặt bằng chung, giá nhà đất hiện nay cao hơn so với thu nhập của người dân. Đây là một cái khó trong việc tìm nguồn trả nợ, nên ngân hàng cũng phải thận trọng trong việc đánh giá nguồn trả nợ của khách hàng cá nhân”, ông Tùng chỉ ra một yếu tố ngân hàng cân nhắc khi xem xét khoản vay mua nhà cá nhân.

Giá nhà thời gian qua vẫn là câu chuyện gây tranh cãi. Các yếu tố khách quan như pháp lý, thị trường, chi phí xây dựng, lãi suất tín dụng tăng cao…sẽ đẩy giá sản phẩm lên cao. Nhưng vẫn còn yếu tố chủ quan như kỳ vọng về lợi nhuận của chủ đầu tư cũng khiến giá căn hộ khó giảm.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển chỉ ra nghịch lý trên thị trường bất động sản khi các sản phẩm đã hoàn thiện, ở các khu vực thuận lợi, gần trung tâm lại có giá bán thấp hơn các sản phẩm trên giấy, ở xa trung tâm. Trong bối cảnh thanh khoản thị trường xuống dốc kéo dài, các chính sách khuyến mãi ưu đãi không đủ hấp dẫn, người mua nhà có thể trông chờ khả năng chủ đầu tư giảm giá bán để cải thiện kinh doanh, huy động vốn từ khách hàng.

Bá Di

Link nội dung: https://www.pld.net.vn/nhnn-khang-dinh-khong-siet-tin-dung-vi-sao-nguoi-dan-van-kho-vay-mua-nha-a10457.html