Qua đó khẳng định mong muốn của hai nước cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực lên tầm cao mới và mở rộng sang những lĩnh vực hợp tác mới.
Hai nhà Lãnh đạo nhất trí rằng hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển xã hội, quốc phòng - an ninh, văn hóa, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, môi trường, y tế, lao động, thông tin, truyền thông, giao thông-vận tải, xây dựng, tư pháp, giao lưu nhân dân, và hợp tác giữa các địa phương… đã ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Tiếp tục tăng cường liên kết kinh tế giữa hai nước, bảo đảm an ninh kinh tế và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghiệp bán dẫn.
Thủ tướng Kishida khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045. Nhấn mạnh việc doanh nghiệp Nhật Bản coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng trong hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng và là điểm đến đầu tư triển vọng nhất trong các nước ASEAN, Thủ tướng Kishida đề nghị phối hợp nâng cao hiệu quả, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án hợp tác sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản tại Việt Nam.
Chủ tịch nước đề nghị Nhật Bản tích cực xem xét cung cấp các khoản vay ODA thế hệ mới tập trung vào phát triển hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam (đường bộ, đường sắt, năng lượng), chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế; thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư quy mô lớn vào Việt Nam và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ; tăng cường hợp tác nông nghiệp chất lượng cao, tạo điều kiện để thủy sản và trái cây của Việt Nam vào Nhật Bản, trong đó sớm mở cửa thị trường cho bưởi da xanh và tiếp theo là chanh leo.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường kết nối nguồn nhân lực, hợp tác địa phương, du lịch, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân. Chủ tịch nước đề nghị xem xét tổ chức "Diễn đàn hợp tác địa phương" thường niên luân phiên tại các địa phương hai nước; mong Nhật Bản tiến tới miễn thị thực cho công dân Việt Nam… Hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Được biết, Nhật Bản hiện là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, đối tác lớn thứ 2 về hợp tác lao động, thứ 3 về đầu tư và du lịch, thứ 4 về thương mại của Việt Nam.
Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 10-2023, kim ngạch thương mại Việt Nam-Nhật Bản đạt gần 37 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 19,223 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 6,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Hết tháng 10 có 5 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, dẫn đầu là dệt may với hơn 3,3 tỷ USD, tăng nhẹ khoảng 18 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Châu An
Link nội dung: https://www.pld.net.vn/viet-nam-nhat-ban-nang-cap-quan-he-len-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-a15403.html