Hoàn thiện chính sách thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ người nộp thuế

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu các thông tin có giá trị, ý kiến xác đáng tại Báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để phục vụ công tác tham mưu, đề xuất hoàn thiện quy định, chính sách pháp luật thuế.

Hoàn thiện chính sách thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ người nộp thuế- Ảnh 1.

Hoàn thiện chính sách thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ người nộp thuế

Vừa qua, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã thực hiện loạt bài viết chuyên đề "Đã đến lúc cần cuộc cải cách về thuế", gồm ba bài đăng liên tiếp ý kiến của các chuyên gia phân tích thực trạng hệ thống thuế hiện nay, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và đưa ra các kiến nghị cải cách phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Về giải pháp cải cách chính sách thuế, GS.TS Hoàng Văn Cường – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đề xuất một mô hình ba lớp với nguyên tắc cốt lõi là rạch ròi, đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra giám sát, minh bạch và phù hợp với thực tiễn. Mô hình này bao gồm ba trụ cột: phân định, đơn giản hóa và số hóa.

Thứ nhất, cần phân định rõ giữa các sắc thuế nhằm tách bạch thuế điều tiết hành vi và thuế nghĩa vụ công dân. Mỗi sắc thuế phải xác định rõ mục tiêu và phạm vi áp dụng, tránh chồng lấn điều tiết lên cùng một đối tượng. Ví dụ, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường nên hướng đến điều tiết hành vi tiêu dùng, trong khi thuế VAT và thuế thu nhập nên đảm bảo nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách.

Thứ hai, xây dựng cơ chế thu linh hoạt – "nhiều phương án, một mục tiêu". Một sắc thuế có thể được áp dụng theo nhiều phương pháp tính khác nhau, phù hợp với đặc thù và năng lực của từng nhóm doanh nghiệp, nhằm đảm bảo công bằng và hiệu quả thực thi.

Thứ ba, số hóa triệt để hệ thống thuế – chuyển từ nghĩa vụ thuần túy sang tiện ích cho người nộp thuế. Cải cách phải đồng thời tác động đến cả "phần cứng" (chính sách, hệ thống các sắc thuế) và "phần mềm" (cách thức tổ chức, vận hành và phục vụ). Một hệ thống thuế hiện đại cần đáp ứng ba chức năng cơ bản: tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước; đảm bảo công bằng và điều tiết kinh tế hợp lý; đồng thời hội nhập với các thông lệ quốc tế tiên tiến.

Đối với thuế giá trị gia tăng (VAT), GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh cần đơn giản hóa các quy định về hóa đơn và chứng từ đầu vào, cải cách quy trình khấu trừ và hoàn thuế, cắt bỏ những thủ tục không cần thiết. Đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm của người nộp thuế và đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế để loại bỏ hoàn toàn tình trạng doanh nghiệp phải "xin hoàn thuế". Thay vào đó, hoàn thuế cần được thực hiện tự động, minh bạch và theo cơ chế quản lý rủi ro hiện đại.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề xuất một số giải pháp thể chế quan trọng nhằm cải cách hệ thống thuế tại Việt Nam.

Thứ nhất, hệ thống pháp luật về thuế cần được tái cấu trúc theo hướng tích hợp, minh bạch và dễ thực thi. Thay vì duy trì các đạo luật thuế riêng rẽ như hiện nay, cần xây dựng một Bộ luật Thuế thống nhất làm khuôn khổ pháp lý nền tảng cho toàn bộ hệ thống chính sách thuế quốc gia. Trên cơ sở đó, cơ cấu lại các sắc thuế theo hướng hiện đại, phù hợp với đặc trưng của nền kinh tế số và định hướng phát triển bền vững. Chính sách thuế cần chuyển từ mục tiêu chủ yếu là thu ngân sách sang vai trò kiến tạo phát triển. Trong đó, thuế VAT cần được xem xét lại một cách nghiêm túc, từng bước giảm sự phụ thuộc và chuyển dần sang các hình thức thuế tiêu dùng thông minh hơn. Đồng thời, phát triển các sắc thuế mới có tính điều tiết hiệu quả và bền vững như thuế số (đối với nền kinh tế kỹ thuật số), thuế carbon (ứng phó biến đổi khí hậu) và thuế tài sản lũy tiến (điều tiết tích tụ tài sản quá mức, bảo đảm công bằng xã hội).

Để bảo đảm định hướng cải cách không bị gián đoạn và có đủ sức mạnh thể chế, TS. Nguyễn Sĩ Dũng kiến nghị thành lập một Ủy ban Cải cách Thuế Quốc gia. Cơ quan này cần hoạt động chuyên sâu, với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia độc lập, đại diện cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Ủy ban cần có quyền nghiên cứu, đề xuất và giám sát toàn bộ tiến trình cải cách thuế, trở thành trung tâm thúc đẩy đổi mới thể chế trên tinh thần khoa học, khách quan và lắng nghe đa chiều.

Thứ hai, Việt Nam cần nâng cao khả năng phản ứng chính sách một cách linh hoạt hơn. Các chính sách như hoàn thuế ngay cho khách du lịch, thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ hoặc triển khai chính sách thuế linh hoạt theo vùng, theo ngành cần được nghiên cứu, thể chế hóa và áp dụng phù hợp với bối cảnh trong nước và thông lệ quốc tế.

Thứ ba, cần sớm chấm dứt cơ chế thuế khoán – vốn tiềm ẩn nhiều bất cập về minh bạch và công bằng. TS. Nguyễn Sĩ Dũng đề xuất thay thế bằng mô hình "thuế tối giản" với mức thu nhỏ (1-2%) tính trực tiếp trên doanh thu thực, được ghi nhận qua thiết bị điện tử như máy POS, ví điện tử hoặc mã QR. Cách tiếp cận này vừa đơn giản, vừa giúp kiểm soát hiệu quả mà không cần mở rộng bộ máy hành chính.

Thứ tư, cần xây dựng một hệ sinh thái thuế thông minh, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong ngành thuế. Tất cả các quy trình – từ kê khai, nộp, hoàn đến kiểm tra thuế – cần được số hóa và kết nối đồng bộ với các nền tảng dữ liệu quốc gia như ngân hàng, hải quan, dân cư, đất đai, thương mại điện tử… Nhờ đó, dữ liệu thời gian thực sẽ trở thành cơ sở để nhà nước xây dựng chính sách thuế linh hoạt, kịp thời và chính xác.

Thứ năm, cần chuyển hóa mối quan hệ giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp từ "quản lý" sang "đồng hành". Người nộp thuế phải được hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn rõ ràng; trong khi cán bộ thuế cần trở thành những chuyên gia am hiểu pháp luật, công nghệ và kỹ năng giao tiếp công vụ. Chỉ khi đó, nghĩa vụ thuế mới được thực hiện một cách minh bạch, thuận lợi và đúng pháp luật – góp phần nâng cao niềm tin xã hội và hiệu quả quản trị thuế quốc gia...

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổng hợp tình hình thông tin báo chí, dư luận và các đề xuất kiến nghị từ các bài viết nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Xét Báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền nghiên cứu các thông tin có giá trị, ý kiến xác đáng tại Báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nên trên để phục vụ công tác tham mưu, đề xuất hoàn thiện quy định, chính sách pháp luật thuế; chỉ đạo cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý thu thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ người nộp thuế, góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Phương Nhi

Link nội dung: https://www.pld.net.vn/hoan-thien-chinh-sach-thue-don-gian-hoa-thu-tuc-hanh-chinh-ho-tro-nguoi-nop-thue-a19498.html