Cổ phiếu KPF của Đầu tư Tài sản Koji bị chuyển sang diện kiểm soát từ ngày 15/5/2025

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vừa ban hành Thông báo số 344/TB-SGDHCM về việc xử lý vi phạm đối với cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Tài sản Koji (mã chứng khoán: KPF).

image-20250511133558-1-1747039311.jpeg

Cổ phiếu KPF của Đầu tư Tài sản Koji bị chuyển sang diện kiểm soát từ ngày 15/05/2025

Theo nội dung thông báo, cổ phiếu KPF bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 15/05/2025, căn cứ theo Quyết định số 358/QĐ-SGDHCM do Tổng Giám đốc Sở ban hành ngày 08/05/2025. Lý do là do tổ chức niêm yết chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 quá 30 ngày so với thời hạn quy định. Đây là hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 37 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán tại HOSE, được ban hành theo Quyết định số 22/QĐ-HĐTV ngày 18/04/2025 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Ngoài ra, cổ phiếu KPF đang đồng thời bị theo dõi ở diện đình chỉ giao dịch theo Quyết định số 101/QĐ-SGDHCM ngày 19/02/2025, do chậm nộp Báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2024 quá 6 tháng so với thời hạn quy định.

Cổ phiếu này cũng đang trong diện cảnh báo theo Quyết định số 167/QĐ-SGDHCM ngày 04/04/2024 vì tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2023.

Trong năm 2024, cổ phiếu KPF đã trải qua nhiều biến động. Đáng chú ý, sau sự kiện cựu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Toàn bị khởi tố và bắt tạm giam, cổ phiếu KPF bất ngờ tăng trần vào ngày 08/07/2024, đạt mức 3.240 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch hơn 400.000 đơn vị.

Năm 2024, KPF ghi nhận khoản lỗ kỷ lục gần 277 tỷ đồng, đánh dấu năm thua lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động của công ty. Đây cũng là năm đầu tiên công ty không ghi nhận doanh thu, trong khi doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh.

Lũy kế năm 2024, doanh thu hoạt động tài chính đạt 18,6 tỷ đồng, giảm gần 2,5 lần so với năm trước. Lợi nhuận khác báo lỗ gần 1,5 tỷ đồng.

KPF chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực tư vấn dự án đầu tư, cung ứng vật liệu xây dựng và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Công ty được cấp phép khai thác tại 2 mỏ cát trên sông Hồng, 1 mỏ cát vàng sông Lô với tổng trữ lượng khoảng 30 triệu m³ và 1 bến kinh doanh vật liệu xây dựng tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Tuy nhiên, phần lớn tài sản của KPF là các khoản đầu tư tài chính, bao gồm góp vốn vào các công ty liên kết và đầu tư trái phiếu. Cụ thể, công ty đầu tư 144 tỷ đồng vào CTCP TTC Deluxe Sài Gòn, 200 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư xây dựng và thương mại Châu Việt, và nắm giữ gần 65 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Đầu tư nông nghiệp sạch Phú Son.

Công ty Cổ phần Đầu tư Tài sản Koji (mã chứng khoán: KPF) đã và đang tham gia vào một số dự án bất động sản đáng chú ý, trong đó có dự án Khu đô thị tại thị trấn Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Quy mô dự án khoảng 14,4 ha. Tổng mức đầu tư dự án gần 521 tỷ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư hơn 156 tỷ đồng và vốn vay từ ngân hàng trên 209 tỷ đồng.

Trên trang web chính thức của KPF, công ty giới thiệu một số dự án bất động sản như: Tòa nhà văn phòng TTC, The Harbour City, Takara Residence, Lyf Danang. Tuy nhiên, hiện tại không có thông tin chi tiết công khai về tiến độ hoặc quy mô cụ thể của các dự án này.

Anh Mai

Link nội dung: https://www.pld.net.vn/vi-sao-co-phieu-kpf-bi-kiem-soat-a19515.html