Với quan điểm trên, ông Bùi Thanh Minh – Phó Giám đốc chuyên môn Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (ban IV) nhấn mạnh: đã đến lúc cần trả doanh nghiệp tư nhân về đúng vị trí mà khu vực kinh tế này xứng đáng được hưởng trong nền kinh tế.
Ông Bùi Thanh Minh – Phó Giám đốc chuyên môn Văn phòng ban IV cho rằng: đã đến lúc cần trả doanh nghiệp tư nhân về đúng vị trí mà khu vực kinh tế này xứng đáng được hưởng trong nền kinh tế
Ban IV là đơn vị phối hợp tham gia xây dựng Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Theo ông Bùi Thanh Minh, Nghị quyết được ban hành ở thời điểm này có thể được gọi là “Đổi mới 2.0”. Nếu thực hiện đổi mới năm 1986 đưa đất nước thoát khỏi nghèo đói và thiết lập nền tảng phát triển thì hiện nay là đổi mới toàn diện từ tư duy đến hành động hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Hiện thực hóa mục tiêu trên, tăng trưởng GDP trong năm nay phải đạt 8% và các năm tiếp theo phải đạt 10% – một mục tiêu đầy tham vọng. Để duy trì mức tăng trưởng cao trong ở giai đoạn phát triển mới, theo ông Bùi Thanh Minh, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy đổi mới sáng tạo là con đường khả thi.
Nghị quyết số 57 được Bộ Chính trị ban hành trước đó với tư duy đổi mới sáng tạo là cánh cửa để bước lên nấc thang phát triển tiếp theo; đồng thời đặt nền móng cho sự chuyển mình của khu vực kinh tế tư nhân.
Nghị quyết số 68 vừa được ban hành, ông Bùi Thanh Minh cho rằng: không phải là ưu tiên khu vực kinh tế tư nhân mà là vấn đề về luật chơi. Khu vực này chỉ cần được tự do và bình đẳng để làm tốt công việc của mình.
Thông tin thêm, ông Bùi Thanh Minh cho biết, khi xây dựng Nghị quyết số 68, Ban IV theo đuổi hai tư duy cốt lõi. Đó là tư duy “cởi trói” nhằm giải quyết các rào cản cố hữu như đất đai, vốn, hay cạnh tranh không lành mạnh và tư duy phát triển, phân cấp doanh nghiệp theo ba nhóm gồm: doanh nghiệp dẫn dắt gắn với bài toán quốc gia, doanh nghiệp tiên phong và các doanh nghiệp nhỏ. Cùng với đó, thúc đẩy các hộ kinh doanh bước ra khỏi vùng an toàn để trở thành lực lượng doanh nghiệp thực thụ.
Sự phát triển bứt phá của khu vực kinh tế tư nhân cần gắn liền với tăng trưởng kinh tế dựa trên công nghiệp hiện đại và bền vững.
Trong thời gian tới, theo ông Bùi Thanh Minh, sẽ có các nghị quyết quan trọng khác liên quan đến nhân lực và chính sách công nghiệp. Chính sách này được thực thi trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, cần tạo không gian để từng địa phương xác định ngành mũi nhọn và phát huy năng lực cạnh tranh theo từng vùng. Nghị quyết số 68 được đặt trong tổng thể chiến lược này sẽ có thể tối ưu hoá nguồn lực.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng đồng quan điểm khi nhấn mạnh sự phát triển bứt phá của khu vực kinh tế tư nhân cần gắn liền với tăng trưởng của nền kinh tế dựa trên công nghiệp hiện đại và bền vững.
Ông Lê Xuân Nghĩa nêu thực trạng, hiện các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang hạn chế về nguồn lực tài chính để đầu tư cho khoa học công nghệ. Trong khi đó, tại Mỹ, Nhật Bản hay Đài Loan… khu vực tư nhân được nhận hỗ trợ, tài trợ kinh phí nghiên cứu và phát triển từ đầu tư khu vực công. Từ sự hậu thuẫn này, các doanh nghiệp mới có thể tạo ra đột phá công nghệ, thúc đẩy công nghiệp hóa.
Lấy ví dụ từ Nhật Bản, chuyên gia kinh tế cho biết, một trong ba gói kích thích kinh tế lớn gần đây có trị giá tới 70 tỷ USD được đưa trực tiếp vào khu vực tư nhân để phát triển khoa học công nghệ. Ở đây, Chính phủ chủ động đóng vai trò “người dẫn đường”, đầu tư mạnh mẽ vào tương lai chứ không chỉ hỗ trợ về mặt chính sách.
Nhấn mạnh Nghị quyết số 68 là một dấu mốc quan trọng, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Nghị quyết cần thực hiện thật quyết liệt, có tầm nhìn chiến lược để đảm bảo thành công và theo kịp các nền kinh tế phát triển.
Link nội dung: https://www.pld.net.vn/tao-binh-dang-cho-doanh-nghiep-tu-nhan-phat-trien-a19525.html