Giải bài toán về nguy cơ tiềm ẩn từ những núi đất đá thải mỏ tại Quảng Ninh

Tỉnh Quảng Ninh hiện có tới 80 bãi thải mỏ với trữ lượng lên tới cả trăm triệu m3 nằm ở thượng nguồn nhiều sông suối, cũng như khu dân cư, vừa gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với hàng trăm hộ dân sinh sống dưới chân các bãi thải.

 Tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro!

Qua rà soát, toàn tỉnh Quảng Ninh có tổng số 80 bãi thải thì khu vực TP. Cẩm Phả có 32 bãi thải. Cùng với các mỏ lộ thiên lớn như Đèo Nai, Cọc Sáu, Cao Sơn thì trên địa bàn TP. Cẩm Phả còn có một số doanh nghiệp được thực hiện mô hình vừa khai thác hầm lò, vừa khai thác lộ vỉa theo hình thức tận thu tài nguyên.

Với hàng chục năm khai thác lộ thiên, các đơn vị khai thác than trên địa bàn TP. Cẩm Phả đã đắp lên những bãi thải mỏ khổng lồ lên tới khoảng 150 triệu m3 đất, đá/năm, ảnh hưởng đến một vùng rộng lớn khoảng 6.000ha.

Núi đất đá thải mỏ tại phường Mông Dương, TP.Cẩm Phả tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với các hộ dân sinh sống phía dưới
Núi đất đá thải mỏ tại phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với các hộ dân sinh sống phía dưới)

Việc khai thác lộ thiên đã và đang gây ta hệ lụy không hề nhỏ cho các hộ dân sinh sống gần các bãi thải mỏ, bụi than phát tán vào ngày nắng, còn mùa mưa thì nơm nớp lo sợ do nguy cơ sạt lở từ các núi đất đá thải mỏ treo lơ lửng trên đầu.

Trên địa bàn TP. Cẩm Phả, các khai trường khai thác than trải dài từ phường Cẩm Sơn đến địa bàn phường Mông Dương rồi vòng vào xã Dương Huy, với những núi đất đá thải khổng lồ chất cao hàng trăm mét.

Nhiều năm nay, hơn 50 hộ dân tại tổ 1, khu 13, phường Mông Dương luôn đối mặt với nguy cơ nhà cửa bị sập do ảnh hưởng từ hoạt động khai thác than hầm lò và nỗi lo những núi bãi thải mỏ khổng lồ nằm cách khu dân cư chỉ vài trăm mét đổ ập xuống, nhất là vào mùa mưa bão.

Gia đình chị Lò Thị Sáu và nhiều hộ dân ở khu 13, phường Mông Dương sinh sống ngay sát chân bãi thải mỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là vào mùa mưa bão
Gia đình chị Lò Thị Sáu và nhiều hộ dân ở khu 13, phường Mông Dương sinh sống ngay sát chân bãi thải mỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là vào mùa mưa bão)

Chị Lò Thị Sáu nhà ở ngay chân bãi thải tại tổ 1, khu 3, phường Mông Dương cho hay, con suối Vũ Môn chảy sát qua các hộ dân ở đây vốn hẹp lại không được nạo vét, bãi thải thì nằm ngay trên thượng nguồn, nếu mưa lớn kéo dài thì sẽ rất nguy hiểm đối với khu dân cư sinh sống phía dưới. Biết là tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng do gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nên không có tiền để mua nhà nơi khác để ở.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch UBND TP.Cẩm Phả, Ngô Thành Tâm cho biết, thành phố đã nhận được kiến nghị của nhiều hộ dân về việc xem xét, điều chỉnh, dừng đổ thải tại các bãi thải mỏ than nằm gần các khu dân cư. Hiện các cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố đang tiếp tục làm việc với các đơn vị liên quan để có giải pháp xử lý.

Sớm sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có hàng trăm dự án đang sử dụng vật liệu san lấp mặt bằng, bao gồm đất đá và các vật liệu khác, với khối lượng trên 100 triệu m3/năm. Theo tính toán của các ngành chức năng tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn từ năm 2020 - 2025, nhu cầu sử dụng vật liệu đất đắp, san lấp mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh khoảng trên 600 triệu m3. So với nhu cầu, hiện đang thiếu khoảng hơn 200 triệu m3.

Theo báo cáo của TKV và Tổng công ty Đông Bắc, hiện tổng diện tích các bãi thải mỏ là 2.700ha, tổng trữ lượng đất đá thải khoảng 1.362 triệu m3 và không ngừng tăng lên hàng năm, trung bình khoảng 150 triệu m3/năm.

Trong khi các bãi thải mỏ chiếm nhiều diện tích đất, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân và hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

Hàng năm, để giải quyết những tồn tại từ những bãi thải mỏ, ngành than chi phí hàng chục tỷ đồng để triển khai các dự án ngăn chặn và khắc phục ô nhiễm môi trường, hỗ trợ di dời các hộ gia đình, cá nhân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao. Còn theo Đề án của tỉnh Quảng Ninh, kinh phí để di dời 2.106 hộ dân đến năm 2025 lên tới 2.173 tỷ đồng.

Những núi đất đá thải mỏ
Những núi đất đá thải mỏ "đe dọa" sự an toàn của các hộ dân cũng như tuyến Quốc lộ 18A trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh)

Ông Vũ Thanh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng Quảng Ninh cho biết, từ năm 2017, Quảng Ninh đã đề xuất sử dụng đất đá thải mỏ dùng san lấp cho các dự án. Đến ngày 7/2/2017, Chính phủ đã ban hành thông báo về kết luận của Thủ tướng, trong đó ghi “đồng ý chủ trương hạ thấp độ cao bãi thải để san lấp mặt bằng cho tuyến đường bao biển đoạn Hạ Long - Cẩm Phả”. Đây là dự án đầu tiên triển khai lấy đất đá bãi thải làm vật liệu san lấp.

Sau đó, Bộ TN&MT cũng có nhiều văn bản hướng dẫn, thống nhất về chủ trương việc ủy quyền để UBND tỉnh Quảng Ninh giải quyết việc sử dụng đất, đá thải từ các mỏ than để sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng, phục vụ các công trình trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc ủy quyền sử dụng bãi thải nào, thuộc mỏ than nào sẽ do Bộ TN&MT xem xét, đánh giá cho từng trường hợp cụ thể. Trong đó, Bộ TN&MT đã có văn bản chấp thuận cho tỉnh Quảng Ninh sử dụng khoảng 0,7 triệu m3 đất đá thải mỏ than Núi Béo làm vật liệu san lấp mặt bằng cho Dự án Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất với Bộ TN&MT, giai đoạn năm 2021 - 2025, các dự án tại TX.Quảng Yên, TP.Hạ Long, TP.Cẩm Phả, TP.Uông Bí, TX.Đông Triều, khu kinh tế Vân Đồn được ưu tiên lấy đất đá từ các bãi thải mỏ ngay trên địa bàn để phục vụ thi công các dự án.

Với việc tỉnh Quảng Ninh sớm được sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng cho dự án trên địa bàn, vừa giải bài toán về các hệ lụy từ các bãi thải mỏ vừa tận dụng nguồn vật liệu này để tăng thu từ thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản về ngân sách nhà nước, tránh để lãng phí đã tồn tại từ nhiều năm qua.

Phạm Hoạch

Link nội dung: https://www.pld.net.vn/giai-bai-toan-ve-nguy-co-tiem-an-tu-nhung-nui-dat-da-thai-mo-tai-quang-ninh-a3376.html