Cùng tham gia buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Văn phòng Ủy ban, Vụ Công nghiệp và Vụ Năng lượng.
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Thomas Vallely cho biết, từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đưa vấn đề khí hậu trở thành ưu tiên về an ninh - lợi ích quốc gia, bắt đầu hình thành chính sách liên kết giữa kinh tế - năng lượng - khí hậu như nâng cấp biến đổi khí hậu trở thành ưu tiên trong chiến lược an ninh - lợi ích quốc gia; xây dựng chính sách năng lượng hợp lý; gắn chính sách mới về năng lượng và biến đổi khí hậu với chính sách phục hồi; ngoại giao năng lượng - khí hậu trở thành trụ cột chiến lược; khởi xướng ý tưởng về biên giới carbon.
ông Thomas Vallely cho biết: Sau cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), hiện nay, các tổ chức, doanh nghiệp Hoa Kỳ ngày càng quan tâm tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng. Do đó, ông Thomas Vallely đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tạo điều kiện để các doanh nghiệp hai bên có điều kiện tốt nhất thực hiện những chương trình phối hợp, hợp tác chung trong lĩnh vực này.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đánh giá cao đề xuất của ông Thomas Vallely về việc Đại học Harvard và Đại học Fulbright phối hợp với các cơ quan Chính phủ Việt Nam nghiên cứu tổ chức Chương trình Lãnh đạo quản lý cao cấp Việt Nam (VELP) để trao đổi, đối thoại về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Đánh giá cao những ý tưởng đề xuất về thị trường năng lượng tại Việt Nam của ông Thomas Vallely, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cho biết: tại Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU); trong đó, lĩnh vực năng lượng giảm 32,6%, lượng phát thải không vượt quá 457 triệu tấn CO2 tương đương. Đến năm 2050, Việt Nam bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng “0”; lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm nhanh, trong đó, lĩnh vực năng lượng giảm 91,6%, lượng phát thải không vượt quá 101 triệu tấn.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cũng hoan nghênh các doanh nghiệp, các tổ chức của Hoa Kỳ tham gia đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường tại Việt Nam, đặc biệt là việc hợp tác, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật.
Nhật Quang
Link nội dung: https://www.pld.net.vn/thuc-day-hop-tac-giua-cac-doanh-nghiep-viet-nam-hoa-ky-trong-linh-vuc-chuyen-doi-nang-luong-a8489.html