Chống lẩn tránh phòng vệ thương mại trong pháp luật EU và những giá trị tham khảo đối với Việt Nam

Trần Viết Long

03/04/2024 10:17

Theo dõi trên

Phòng vệ thương mại là biện pháp mang tính chất hai chiều khi các quốc gia cũng như khu vực cần nắm được cách thức áp dụng cũng như ứng phó để nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại, đặc biệt khi các FTA thế hệ mới xuất hiện càng nhiều. Khi nhắc đến chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, EU được xem là một trong những khu vực đi đầu về vấn đề này. Vì lẽ đó, bài viết sẽ tập trung phân tích và đánh giá quy định này trong pháp luật EU và đưa ra một số giá trị tham khảo phù hợp cho Việt Nam.

CHỐNG LẨN TRÁNH PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI TRONG

PHÁP LUẬT EU VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ THAM KHẢO ĐỐI VỚI VIỆT NAM

 

Trần Viết Long*

 

Tóm tắt: Phòng vệ thương mại là biện pháp mang tính chất hai chiều khi các quốc gia cũng như khu vực cần nắm được cách thức áp dụng cũng như ứng phó để nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại, đặc biệt khi các FTA thế hệ mới xuất hiện càng nhiều. Khi nhắc đến chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, EU được xem là một trong những khu vực đi đầu về vấn đề này. Vì lẽ đó, bài viết sẽ tập trung phân tích và đánh giá quy định này trong pháp luật EU và đưa ra một số giá trị tham khảo phù hợp cho Việt Nam.

Từ khóa: Phòng vệ thương mại, Chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, EVFTA,

Abstract: Trade defense involves a reciprocal approach where countries and regions must grasp the application and response mechanisms to enhance the efficiency of trade cooperation, particularly in the context of the increasing prevalence of new-generation FTAs. Regarding the anti-circumvention measure, EU is recognised as a pioneering region in this regard. Consequently, this article will concentrate on the examination of this regulation within EU legislation and deliver some relevant benchmarks that may be applicable to Vietnam.

Keywords: Trade circumvention, Anti-trade circumvention, EVFTA

1Đặt vấn đề

Lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) là hành vi nhằm trốn tránh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thực thi biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực đối với hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khi nhập khẩu vào lãnh thổ một quốc gia. Chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (anti-circumvention) được xem là một trong bốn biện pháp phòng vệ thương mại, tuy nhiên chưa có bất cứ hiệp định nào trong khuôn khổ WTO điều chỉnh vấn đề này một cách chi tiết và cụ thể. Là một trong những thành viên sáng lập của WTO, Liên minh châu Âu (EU) đã tham gia vào quá trình đàm phán các Hiệp định WTO liên quan đến phòng vệ thương mại và được xem là một trong những khu vực tài phán đi đầu về các quy định liên quan đến phòng vệ thương mại. Tính đến cuối năm 2021, EU đã xử lý 163 trường hợp liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó: 141 trường hợp về biện pháp chống bán phá giá (AD), 19 trường hợp áp dụng biện pháp chống trợ cấp và 3 trường hợp liên quan biện pháp tự vệ[1].  Được biết đến là một thị trường khó tính với các tiêu chuẩn cao về thương mại, sự tham gia của EU vào các FTA thế hệ mới đòi hỏi sự nghiên cứu đánh giá về pháp luật của khu vực này nhằm bảo đảm quyền lợi của cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu.

2. Chống lẩn tránh phòng vệ thương mại trong pháp luật EU

2.1. Phương thức tiếp cận của EU

Các điều khoản trong WTO luôn được xem là những điều khoản có tính chất bao trùm trong thương mại quốc tế, có sức ảnh hưởng lớn đến các khu vực và quốc gia thành viên. Tuy nhiên, nhiều học giả đánh giá sự thiếu sót của WTO về một quy định thống nhất hay một định nghĩa cụ thể về lẩn tránh và chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.[2] Lý do của sự thiếu sót này bắt nguồn từ các cuộc đàm phán tại Vòng đàm phán GATT Uruguay khi trong thời gian đàm phán, mặc dù các bên đàm phán đã thảo luận chuyên sâu về vấn đề lẩn tránh và chống lẩn tránh nhưng không thể đi đến một thỏa thuận về văn kiện chống lẩn tránh do có quan điểm trái ngược nhau giữa các quốc gia thường xuyên sử dụng biện pháp chống bán phá giá.[3]

Sau đó, các thành viên WTO ký kết Hiệp định thực hiện Điều VI của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại 1994 (hay còn gọi là “Hiệp định chống bán phá giá” hoặc “Hiệp định AD”)[4] và Ủy ban về hành vi chống bán phá giá đã thành lập một “Nhóm phi chính thức về chống lẩn tránh” vào ngày 28-29/4/1997 để đưa ra các khuyến nghị cho Ủy ban về vấn đề này. Mặc dù Điều VI chỉ đưa ra khuôn khổ cơ bản nhưng Hiệp định AD lại đưa ra các quy tắc chi tiết liên quan đến việc xác định hành vi bán phá giá và việc thực hiện các biện pháp tự vệ của các thành viên hiệp định.[5] Theo đó, lẩn tránh các biện pháp chống bán phá giá được hiểu là một chiến lược thương mại nhằm xuất khẩu các sản phẩm được sản xuất phức tạp khi nước nhập khẩu áp dụng (hoặc có khả năng áp dụng) thuế chống bán phá giá để bảo vệ ngành công nghiệp quốc gia sản xuất các sản phẩm tương tự. Chiến lược lẩn tránh dựa trên việc che giấu nguồn gốc của sản phẩm bán phá giá bằng cách gây nhầm lẫn cho cơ quan hải quan nước nhập khẩu cũng như người tiêu dùng.

Trong WTO, có một số điều khoản nhằm ngăn chặn các quốc gia thành viên lẩn tránh các nghĩa vụ của hiệp định[6], chẳng hạn điều 10.1 của Hiệp định Nông nghiệp (Agreement on Agriculture - AoA) quy định như sau: “Trợ cấp xuất khẩu không được liệt kê tại khoản 1 Điều 9 sẽ không được áp dụng theo cách dẫn đến hoặc có nguy cơ dẫn đến việc vi phạm các cam kết trợ cấp xuất khẩu; cũng như không được sử dụng các giao dịch phi thương mại để phá vỡ các cam kết đó”[7]. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tomohiko, WTO nói chung chỉ nên được nhìn nhận là điểm khởi đầu cho các quy định cụ thể về chống lẩn tránh[8]. Bởi vì các thành viên WTO chưa đạt được bất cứ thỏa thuận nào về vấn đề chống lẩn tránh biện pháp PVTM nên việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM sẽ phụ thuộc nhiều vào pháp luật quốc gia và khu vực.

EU luôn được xem là khu vực tài phán thể hiện sự quan tâm rõ rệt đến lẩn tránh PVTM[9]. Việc thúc đẩy quy định chống lẩn tránh bắt đầu từ những năm 1980 khi quá trình toàn cầu hóa nhanh chóng khiến việc vượt qua trở nên dễ dàng hơn các biện pháp chống bán phá giá thông qua việc lôi kéo các nước thứ ba vào sản xuất sản phẩm. Do tốc độ ngày càng tăng của chúng, các hoạt động kinh doanh mà trước đây đã có bị bỏ qua đã gây ra phản ứng của các cơ quan công quyền và được tuyên bố nhằm lách các biện pháp chống bán phá giá. Năm 1987, EU đã thông qua điều được coi là quy định chống lẩn tránh đầu tiên thông qua Quy định 1761/87.[10] Một điểm cần ghi nhận là EU và Hoa Kỳ đã nỗ lực đưa các điều khoản chống lẩn tránh vào Hiệp định chống bán phá giá của WTO (Hiệp định AD) cùng các quy tắc chống lẩn tránh thống nhất phải được ban hành theo WTO một cách kịp thời[11]. Dẫu vậy, văn kiện này hướng đến một sự thỏa hiệp giữa các bên đàm phán nhằm hạn chế phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá cũng như các biện pháp lẩn tránh. Cả EU và Hoa Kỳ đều nhấn mạnh rằng danh sách các hành vi lẩn tránh chưa đầy đủ nhưng có thể sẽ mở rộng khi các hoạt động, quy trình và chiến lược sản xuất trở nên phức tạp và mang tính toàn cầu hơn.

Không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của WTO hay cụ thể là Hiệp định AD lên cách tiếp cận về lẩn tránh phòng vệ thương mại của EU. Có thể thấy, cách tiếp cận lẩn tránh hiện tại của EU đề cập đến tất cả các hành vi trốn tránh hoặc không nộp thuế chống bán phá giá theo phương thức làm suy yếu mục đích và hiệu quả của các biện pháp chống bán phá giá do quốc gia nhập khẩu áp đặt. Trong vụ Afrasiabi[12], Tòa án Công lý châu Âu đã làm rõ rằng “lẩn tránh” đề cập đến “các hoạt động có mục đích hoặc kết quả là tạo điều kiện cho tác giả của chúng tránh việc áp dụng” các biện pháp của EU hay nói cách khác, các hoạt động có “mục đích hoặc kết quả, trực tiếp hoặc gián tiếp, gây ảnh hưởng” các lệnh cấm của EU.

Định nghĩa về “lẩn tránh” của EU thường được dẫn chiếu trong Điều 13 của Quy định số 2016/1036 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu về phòng vệ thương mại trước hàng hóa nhập khẩu bị bán phá giá từ các quốc gia không phải là thành viên của Liên minh châu Âu (Quy định về chống bán phá giá)[13]. Theo đó: “Lẩn tránh sẽ được định nghĩa là sự thay đổi trong mô hình thương mại giữa các nước thứ ba và Liên minh hoặc giữa các công ty riêng lẻ trong quốc gia bị áp dụng các biện pháp và Liên minh, xuất phát từ một hoạt động, quy trình hoặc công việc không có đủ lý do chính đáng hoặc biện minh kinh tế nào khác ngoài việc áp dụng thuế và khi có bằng chứng về thiệt hại hoặc tác dụng khắc phục của thuế đang bị suy giảm về mặt giá cả và/hoặc số lượng của sản phẩm tương tự và khi có bằng chứng về việc bán phá giá liên quan tới giá trị thông thường được thiết lập trước đó cho sản phẩm tương tự, nếu cần thiết, phù hợp với quy định tại Điều 2.”

Như đã đề cập ở trên, sau khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá thuế, gần như không thể tránh khỏi việc sẽ có sự thay đổi trong mô hình thương mại khi các công ty đánh giá lại các lựa chọn sản xuất của mình. Điều 13 của Quy định số 2016/1036 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu do đó cơ bản đề cập rằng sự thay đổi trong mô hình thương mại phải xuất phát từ thực tiễn, quy trình hoặc công việc mà không có đủ lý do chính đáng hoặc lý do kinh tế ngoài việc áp dụng thuế chống bán phá giá.

2.2. Thực tiễn áp dụng về chống lẩn tránh phòng vệ thương mại tại EU

Lẩn tránh qua hoạt động, quy trình: Điều 13 (1) của Quy định số 2016/1036 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đề cập đến một số hình thức lẩn tránh có thể xảy ra bao gồm cả những thay đổi nhỏ trong sản phẩm trong bất kỳ trường hợp nào bao gồm chuyển tải qua nước thứ ba, xuất khẩu thông qua các công ty được hưởng mức thuế suất thấp hơn và nhập khẩu hoặc lắp ráp tại nước thứ ba. Thuế chống bán phá giá hiện hành có thể được áp dụng cho cả “sản phẩm tương tự” (thành phẩm) cũng như “các bộ phận của nó”. Một ví dụ được đưa ra trong Báo cáo của Edwin Vermulst đối với vụ Zinc Oxide[14], việc lẩn tránh được nhận diện khi có vi phạm xảy ra dưới hình thức thêm silica vào oxit kẽm để hỗn hợp này thuộc mã CN khác[15]. Trong vụ Footwear[16], Ủy ban châu Âu (European Commission) kết luận từ việc kiểm tra số liệu thống kê xuất nhập khẩu của Macao rằng các hoạt động trung chuyển quy mô lớn qua Macao đã xảy ra sau khi áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Lẩn tránh qua sự thay đổi trong mô hình thương mại: Đối với hành vi lẩn tránh này, thông thường cần phải có sự thay đổi trong mô hình thương mại giữa các nước thứ ba với nhau (hoặc giữa các nhà sản xuất riêng lẻ ở các nước đó) và EU. Việc lẩn tránh sẽ được thực hiện bằng cách thay đổi sản phẩm hoặc bằng cùng một sản phẩm từ các quốc gia khác nhau trong cùng một quốc gia. Việc nhập khẩu thành phẩm thường sẽ được thay thế bằng việc nhập khẩu các bộ phận như trong vụ Bicycle[17].

Lẩn tránh do không đủ lý do chính đáng hoặc các vấn đề kinh tế: Hành vi này dựa trên nguyên tắc pháp luật không công nhận những hành vi không có lý do kinh tế nào khác ngoài việc trốn tránh nghĩa vụ. Sự thay đổi trong mô hình thương mại cần phải xuất phát từ một thực tiễn, quá trình hoặc công việc mà không có đủ lý do chính đáng hoặc lý do kinh tế, ngoài việc áp dụng thuế chống bán phá giá. Trong vụ Polyester staple fibre from Belarus[18], Ủy ban châu Âu nhận thấy hoạt động cắt polyester ở EU không có ý nghĩa về mặt kinh tế. Trong nghiên cứu của Yanning Yu[19], các nhà xuất khẩu thường cố gắng chứng minh lợi thế so sánh trên cơ sở chiến lược kinh doanh của họ cũng như chi phí lao động thấp hơn.

Làm suy yếu tác dụng khắc phục của thuế : Mặc dù theo Điều 13(1) của Quy định số 2016/1036 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu thì tác dụng khắc phục của thuế đang bị suy giảm về mặt giá cả hoặc số lượng là đủ, nhưng Ủy ban châu Âu có xu hướng đưa ra kết luận dựa trên cả hai. Yêu cầu này về cơ bản là một đánh giá về những thiệt hại đối với việc hạ giá hoặc bán dưới giá. Ví dụ, trong Ring binder mechanisms[20], Ủy ban châu Âu kết luận rằng sự thay đổi trong dòng chảy thương mại, cùng với giá xuất khẩu thấp bất thường của các sản phẩm được sửa đổi (dưới giá xuất khẩu và thấp hơn nhiều so với giá trị thông thường được thiết lập trong cuộc điều tra rà soát), đã làm suy yếu tác dụng khắc phục của biện pháp chống bán phá giá cả về số lượng và giá cả của sản phẩm tương tự. Trong hầu hết các cuộc điều tra, Ủy ban châu Âu sẽ so sánh giá xuất khẩu được tính bởi nhà lắp ráp với giá xuất khẩu được thiết lập trong giai đoạn điều tra ban đầu. Ủy ban châu Âu cũng phát hiện ra rằng giá xuất khẩu do nhà lắp ráp tính thấp hơn mức loại bỏ thiệt hại được thiết lập cho ngành công nghiệp EU trong cuộc điều tra ban đầu.

Bằng chứng của việc bán phá giá: Yêu cầu cuối cùng là phải có bằng chứng về việc bán phá giá so với giá trị thông thường được thiết lập trước đó cho sản phẩm tương tự. Do đó, giá trị thông thường sẽ không được cập nhật. Trên thực tế, Ủy ban châu Âu sẽ so sánh giá xuất khẩu trong quá trình điều tra lẩn tránh với giá trị thông thường, được thiết lập trong quá trình điều tra hoặc trong lần xem xét gần nhất. Ví dụ, trong Steel ropes and cables[21], Ủy ban châu Âu đã sử dụng giá trị thông thường được thiết lập trong đánh giá thời hạn sử dụng dựa trên giá của quốc gia tương tự (Thổ Nhĩ Kỳ), cập nhật giá trị này theo diễn biến của giá nguyên liệu thô và so sánh với giá xuất khẩu từ Hàn Quốc bị ảnh hưởng bởi hành vi lẩn tránh để xác định sự tồn tại của hành vi bán phá giá.

Trong khi đó, Điều 13(2) của Quy định lẩn tránh chống bán phá giá của EU giải quyết rõ ràng các trường hợp lẩn tránh liên quan đến lắp ráp. Để phát hiện hành vi lẩn tránh phòng vệ thương mại trong lắp ráp, phải đáp ứng hai điều kiện. Đầu tiên, hoạt động lắp ráp phải diễn ra ở EU hoặc ở một nước thứ ba và phải có bằng chứng cho thấy hoạt động này đã bắt đầu hoặc tăng lên sau hoặc ngay trước cuộc điều tra chống bán phá giá. Thứ hai, các bộ phận hoặc linh kiện được sử dụng để lắp ráp phải được nhập khẩu từ quốc gia bị điều tra chống bán phá giá hoặc theo lệnh cuối cùng[22].

Về thủ tục cho cuộc điều tra lẩn tránh PVTM

Về mặt bản chất, biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM sẽ được áp dụng trên cơ sở kết quả của một cuộc điều tra được tiến hành bởi cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu. Tương tự như các cuộc điều tra áp dụng biện pháp PVTM, một cuộc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM có thể được khởi xướng theo yêu cầu của các nhà sản xuất của nước nhập khẩu hoặc do chính cơ quan điều tra tự khởi xướng khi có đủ các căn cứ. Điều 13(3) của Quy định lẩn tránh chống bán phá giá của EU bao gồm các quy tắc về thủ tục và quy định rằng một cuộc điều tra lẩn tránh phòng vệ thương mại sẽ được tiến hành theo sự khởi xướng của Ủy ban châu Âu hoặc theo yêu cầu của một Quốc gia Thành viên hoặc bất kỳ bên quan tâm nào trên cơ sở có đủ bằng chứng. Điều 13 (3) còn quy định thêm rằng một cuộc điều tra sẽ được bắt đầu theo Quy định của Ủy ban châu Âu, quy định này cũng có thể hướng dẫn cơ quan hải quan thực hiện việc nhập khẩu phải đăng ký theo Điều 14(5). Điều này có nghĩa là trên thực tế, thuế chống lẩn tránh có thể được áp dụng có hiệu lực hồi tố kể từ ngày bắt đầu tố tụng và thực tế trường hợp này thường xảy ra. Đối với phần còn lại, thủ tục phải tuân theo về cơ bản giống như trong một cuộc điều tra chống bán phá giá thông thường, mặc dù Ủy ban châu Âu sẽ chỉ áp dụng các biện pháp dứt điểm mà các biện pháp tạm thời sẽ không được áp dụng. Cũng cần lưu ý rằng Ủy ban châu Âu sẽ không điều chỉnh mức thuế chống bán phá giá khi biên độ bán phá giá được tìm thấy trong thủ tục chống lẩn tránh thấp hơn mức được tìm thấy trong điều tra chống bán phá giá ban đầu.

3. Đánh giá khái quát các quy định pháp luật của EU về lẩn tránh phòng vệ thương mại

Điều 13(1) của của Quy định lẩn tránh chống bán phá giá của EU tuy có sự linh động nhưng không đưa ra bất kỳ tiêu chí cụ thể nào về các thành tố cấu thành các hành vi lẩn tránh khác có thể xảy ra (chẳng hạn như sửa đổi nhỏ, chuyển tải và tổ chức lại các mô hình và kênh bán hàng như những gì chúng đã được đề cập trong điều khoản). Sự thiếu sót này khiến cơ quan quản lý khó áp dụng trực tiếp Điều 13(1) nói trên trong thực tiễn. EU đã từng xác định có nhiều hành vi lẩn tránh hơn, bao gồm khai báo sai xuất xứ hay thay đổi nhỏ trong sản phẩm. Tuy nhiên, những nỗ lực lập pháp này đã không thành công do EU không đưa ra chi tiết các tiêu chí cụ thể cho những hành vi lẩn tránh trên[23]. Việc không quy định cụ thể có thể nhằm mục đích trao quyền cho các cơ quan quản lý để xác định các tình huống phát sinh mà không lệ thuộc vào các quy định có sẵn. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu sẽ không yên tâm về các quyết định kinh doanh của mình vì nguy cơ tiềm ẩn là cơ quan quản lý lạm dụng điều khoản để hạn chế thương mại một cách không công bằng. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp một hành vi không đáp ứng rõ ràng các tiêu chí được đặt ra đối với hành vi lẩn tránh nhưng cũng có thể khó được phân loại là hành vi hợp pháp. Hơn nữa, một phân tích cụ thể thay vì một điều khoản chung thường được bảo đảm trong thực tiễn pháp luật, trong đó nhiều vấn đề sẽ phải dựa vào cách tiếp cận từng trường hợp cụ thể[24].

Mặt khác, việc quy định chung trong định nghĩa đã trao quyền cho các cơ quan quản lý ở EU để chống lại các hình thức lẩn tránh phát sinh. Khả năng dự đoán về mặt lập pháp và khoảng thời gian vừa đủ mà định nghĩa đưa ra khiến cho các biện pháp chống lẩn tránh hoạt động linh hoạt hơn trên thực tế mà không bị phụ thuộc vào các biện pháp phòng vệ thương mại khác (bao gồm tự vệ, chống trợ cấp hay chống bán phá giá). Theo đó, các loại hành vi lẩn tránh mới có thể sẽ dễ dàng bị các quy định phát hiện hơn nếu đáp ứng được các yếu tố quy định tại Điều 13(1) của Quy định lẩn tránh chống bán phá giá của EU.

Vấn đề chính trong định nghĩa về lẩn tránh trong Điều 13 của Quy định cơ bản sẽ được xét đến các điều kiện “bán phá giá” và “thiệt hại”. Vì mục đích chống lẩn tránh, yêu cầu về “thiệt hại” trong luật chống bán phá giá trên thực tế sẽ được đáp ứng nếu có bằng chứng cho thấy biện pháp khắc phục của thuế chống bán phá hay tự vệ giá bị suy giảm về giá cả cũng như số lượng. Nếu có sự thay đổi trong mô hình thương mại và bằng chứng về việc bán phá giá liên quan đến giá trị thông thường được thiết lập trong cuộc điều tra chống bán phá giá ban đầu, cơ quan điều tra thường có thể chỉ ra những thay đổi về số lượng hàng nhập khẩu và đáp ứng điều kiện này. Việc chứng minh chống lẩn tránh cũng là một vấn đề được quan tâm. Tất cả các công ty ở các nước thứ ba đều bị coi là có hành vi trốn tránh thuế trừ khi họ có thể chứng minh sự không liên quan, trong trường hợp đó họ có thể nhận được giấy chứng nhận miễn trừ. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra của EU sẽ đăng ký tất cả hàng nhập khẩu từ quốc gia đang bị điều tra để trừ trường hợp một số nhà sản xuất xuất khẩu được miễn trừ thuế chống bán phá giá. Các nhà nhập khẩu EU bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc điều tra chống lẩn tránh như vậy và đặc biệt là bởi việc đăng ký hàng nhập khẩu của họ. Ảnh hưởng tiêu cực này áp dụng cho tất cả các nhà sản xuất xuất khẩu, ngay cả khi họ là những nhà sản xuất hoàn toàn hợp pháp và không thực hiện hành vi lẩn tránh phòng vệ thương mại. Đó có thể là một giải pháp cho phép các công ty có được sự chắc chắn về việc tuân thủ và cho phép họ nộp đơn xin giấy chứng nhận miễn trừ nếu họ cho rằng điều này có lợi, bất kể các thủ tục chống lẩn tránh[25].

Các công cụ áp dụng biện pháp chống bán phá giá trong tương lai của EU cũng được khuyến nghị sẽ cho phép mở rộng phạm vi của các biện pháp đối với các sản phẩm có sự sửa đổi và nhập khẩu các bộ phận, đồng thời phải làm rõ các quy tắc xuất xứ. Sự tham gia của cơ quan hải quan trong cuộc điều tra chống lẩn tránh cũng nên được xem là một yêu cầu bắt buộc[26]. Sự thống nhất về các quy tắc chống lẩn tránh chi tiết, tập trung vào những cải tiến hơn nữa về tính minh bạch và khả năng dự đoán sẽ là điều mà pháp luật EU hướng tới.

4. Những giá trị tham khảo đối với Việt Nam

Pháp luật Việt Nam ở thời điểm hiện tại có những quy định cụ thể về chống lẩn tránh phòng vệ thương mại tại các văn bản sau: Điều 72 Luật Quản lý Ngoại thương năm 2017; Chương V Nghị định số 10/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/01/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Ngoại thương về các biện pháp PVTM (Điều 73-83); Thông tư số 06/2018/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công thương ngày 20/4/2018 quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp PVTM. Đặc biệt, Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định các hành vi lẩn tránh tại Điều 74, 75, Điều 76 và Điều 77 bao gồm: i) Lẩn tránh thông qua sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam; ii) Lẩn tránh thông qua sản xuất, lắp ráp tại nước thứ ba và iii) lẩn tránh thông qua thay đổi không đáng kể hàng hóa bị áp dụng biện pháp PVTM. Tính từ thời điểm Luật Quản lý ngoại thương có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 cho đến nay, Việt Nam chưa tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá hay chống trợ cấp nào và chỉ nhận được 1 hồ sơ yêu cầu điều tra lẩn tránh biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép dây, thép cuộn.[27] Có thể thấy, yêu cầu điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM chưa xuất hiện nhiều tại Việt Nam nhưng số lượng có thể gia tăng trong thời gian tới khi Việt Nam là thành viên của các FTA thế hệ mới do đó cần nâng cao khả năng dự báo trong các tranh chấp có thể xảy ra, đặc biệt từ những quy định pháp luật và thực tiễn giải quyết tranh chấp tại EU.

Căn cứ cách tiếp cận Quy định số 2016/1036 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu, Việt Nam có thể tham khảo bổ sung quy định tại Nghị định số 10/2018/NĐ-CP theo hướng bao gồm cả hành vi lẩn tránh biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại.[28] Đối với từng hành vi cụ thể, những kinh nghiệm của EU được phân tích tại Chương 2 có thể làm nền tảng cho Việt Nam phát triển và củng cố pháp luật liên quan đến thực thi chống lẩn tránh, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta ngày càng tích cực tham gia vào các hoạt động thương mại quốc tế. EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, trong đó có một chương riêng về PVTM. Cam kết về phòng vệ thương mại trong EVFTA có một số điểm đáng lưu ý liên quan đến chống lẩn tránh PVTM. Thứ nhất,  khi Việt Nam hoặc EU áp dụng biện pháp chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp thì mức thuế được áp dụng phải căn cứ vào biên độ phá giá hoặc biên độ trợ cấp (tùy thuộc vào biên độ nào là thấp hơn) và chỉ ở mức đủ để loại bỏ thiệt hại. Thứ hai, biện pháp tự vệ song phương sẽ được áp dụng trong 10 năm đầu tiên kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Biện pháp này sẽ được áp dụng khi có mức độ gia tăng nhập khẩu về mặt số lượng từ các bên ký kết FTA do kết quả của việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan dẫn đến việc ngành sản xuất bị thiệt hại hoặc có nguy cơ bị thiệt hại nghiêm trọng. Đối với các trường hợp chống lẩn tránh PVTM, các biện pháp được sử dụng liên quan chủ yếu đến chống bán phá giá và trợ cấp.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA, các vụ việc PVTM gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng. EU là thị trường lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu, tuy nhiên, cùng với việc gia tăng hàng hóa xuất khẩu hàng hóa sang EU, cần lưu ý đến nguy cơ hàng hóa Việt Nam có thể bị điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM. Như đã phân tích ở trên, tuy Điều 13 (1) của Quy định số 2016/136 không bao gồm tất cả các trường hợp lẩn tránh PVTM, EU sở hữu hệ thống quy định pháp luật có sự liên kết chặt chẽ về nội dung này với sự linh động áp dụng từ phía cơ quan quản lý trong việc sử dụng các công cụ PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.

Do vậy, nhiệm vụ đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước về PVTM là Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công thương cần cập nhật những thay đổi trong quy định về PVTM của EU để nâng cao tính dự báo và tính chắc chắn trong hoạt động xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các thông tin cập nhật có thể mở rộng đến các sản phẩm mà EU thường xuyên áp dụng biện pháp PVTM. Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan về PVTM trong nước cần nâng cao sự phối hợp với các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam nước ngoài và các hiệp hội để kịp thời cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp trong nước, tăng cường công tác cảnh báo sớm các vụ kiện PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM, chống bán phá giá...

Trong khi đó, các doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm để hướng đến việc cạnh tranh bằng chất lượng thay vì cạnh tranh bằng giá khi đây là yếu tố dễ dẫn đến rủi ro bị điều tra PVTM không chỉ ở thị trường EU[29]. Thêm vào đó, doanh nghiệp cần trang bị những kiến thức chuyên sâu về pháp luật PVTM để bảo đảm các nghĩa vụ và quyền lợi của mình.

Trong trường hợp bị khởi kiện liên quan đến lẩn tránh PVTM, các doanh nghiệp cũng cần tham gia vào công tác kháng kiện một cách nghiêm túc và hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước về PVTM để giải quyết vụ việc xảy ra. Doanh nghệp cần lưu ý là EVFTA đề cao cam kết về minh bạch hóa trong quy trình khởi xướng, điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp. Thông tin sẽ được công khai và các bên liên quan tới vụ việc được có cơ hội thể hiện quan điểm của mình trong quá trình điều tra PVTM. Do đó, việc tích cực cung cấp thông tin giúp cơ quan điều tra có thêm cơ sở để xem xét trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

5. Kết luận

Nghiên cứu đã giới thiệu và phân tích những quy định của pháp luật EU về chống lẩn tránh PVTM. Có thể thấy, việc xác định hành vi lẩn tránh PVTM theo Điều 13(1) của Quy định số 2016/1036 là một yếu tố cốt lõi trong quy định của EU. Tuy nhiên đây cũng là quy định với tính linh hoạt cao khi được áp dụng bởi cơ quan điều tra. Do đó, việc nghiên cứu kỹ pháp luật EU về chống lẩn tránh PVTM, đặc biệt từ các trường hợp cụ thể sẽ hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong tiếp cận thị trường này cũng như thực hiện hiệu quả các quy định trong EVFTA./.

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Văn bản pháp luật

1.    Luật Quản lý Ngoại thương năm 2017

2.    Hiệp định chống bán phá giá của WTO

3.    Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại

4.    Thông tư số 06/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại

5.    Quy định của Hội đồng (EEC) Số 1761/87 ngày 22 tháng 6 năm 1987 Quy định sửa đổi (EEC) số 2176/84 về bảo vệ chống bán phá giá hoặc trợ cấp hàng nhập khẩu từ các nước không phải là thành viên của Cộng đồng Kinh tế Châu Âu

6.    Quy định số 2016/1036 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu  về phòng vệ thương mại trước hàng hóa nhập khẩu bị bán phá giá từ các quốc gia không phải là thành viên của Liên minh châu Âu

Tài liệu khác

1.    Antonella Forganni và Heidi Reed, ‘Circumvention of trade defence measures and business ethics’ Journal of business ethics 155 29-40 (2019)

2.    Nguyễn Vũ Diễm Quỳnh, Trần Thị Thu Thuỷ, Vũ Hà Trang, Trần Minh Ngọc, Tống Anh Văn, Nguyễn Ngọc Hà, Pháp luật Hoa Kỳ về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và một số khuyến nghị đối với Việt Nam, FTU Working Paper Series, 1 (6) (2022)

3.    Lucia Ostoni, Anti-Dumping Circumvention in the EU and the US: Is There a Future For Multilateral Provisions Under the WTO?, 10 Fordham J. Corp. & Fin. L. 407 (2005)

4.    Tomohiko Kobayashi, Revisiting the Role of Anti-Circumvention Provisions under the WTO Agreement: Lessons for East Asia, Korean Journal of International and Comparative Law 2 139–163 (2014)

5.    Weihuan Zhou, Circumvention and Anti-Circumvention: Rising Protectionism in Australia, 15 WORLD TRADE REV. 495 (2016)

6.    Edwin Vermulst, EU anti-circumvention rules: do they beat the alternative? Robert Schuman Centre for Advanced Studies Research Paper No. RSCAS 57 (2015)

7.    Laura Puccio, 20 Years After Marrakesh: Reconsidering the Effects of Preferential Rules of Origin and Anti-Circumvention Rules on Trade in Inputs and Global Production Networks, in Christoph Herrmann, Markus Krajewski and Jorg Philipp Terhechte (eds), European Yearbook of International Economic Law New York Springer, 190 (2014)

8.    Arnoud R. Willems, Bregt Natens, What’s Wrong with EU Anti-Circumvention Rules and How to Fix it, Journal of International Economic Law, 19, 497 (2016)

9.    Lâm Thị Quỳnh Anh, Thực trạng sử dụng công cụ phòng vệ thương mại của EU và một số vấn đề cần lưu ý khi thực thi FTA, Tạp chí Tài chính, xem tại: Thực trạng sử dụng công cụ phòng vệ thương mại của EU và một số vấn đề cần lưu ý khi thực thi FTA – Tạp chí Tài chính (tapchitaichinh.vn)

10.Case C-72/11, Afrasiabi and others, EU:C:2011:874

11.Footwear with leather uppers from China, Vietnam, [2008] OJ L117/1

12. Bicycles from China, [1997] OJ L16/55 (amendment)

13. Polyester staple fibre from Belarus, [1997] OJ L346/1

14.Steel Ropes and cables from China, [2010] OJ L117/1

15.Certain ring binder mechanisms from China, [2008] OJ L221/1

 


* TS Trần Viết Long, Trường Đại học Luật, Đại học Huế. Duyệt đăng 23/3/2024. Email: vietlong1986@gmail.com

[1] Report from the Commission to the European Parliament and The Council, https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=CELEX:52022DC0470, truy cập lần cuối ngày 13/08/2023.

[2] Antonella Forganni và Heidi Reed, Circumvention of trade defence measures and business ethics, Journal of business ethics 155 29-40 (2019).

[3] Nguyễn Vũ Diễm Quỳnh, Trần Thị Thu Thuỷ, Vũ Hà Trang, Trần Minh Ngọc, Tống Anh Văn, Nguyễn Ngọc Hà, Pháp luật Hoa Kỳ về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và một số khuyến nghị đối với Việt Nam, FTU Working Paper Volume 1 No.6 (2022).

[4] Anti-Dumping Agreement (Implementation of Article VI of the GATT), WTO | WTO Analytical Index - Guide to WTO Law and Practice (updated electronic version).

[5] Lucia Ostoni, Anti-Dumping Circumvention in the EU and the US: Is There a Future For Multilateral Provisions Under the WTO?, 10 Fordham J. Corp. & Fin. L. 407 (2005).

[6] Tomohiko Kobayashi, Revisiting the Role of Anti-Circumvention Provisions under the WTO Agreement: Lessons for East Asia, Korean Journal of International and Comparative Law 2 139-163(2014).

[7] Nguyên văn: Export subsidies not listed in paragraph 1 of Article 9 shall not be applied in a manner which results in, or which threatens to lead to, circumvention of export subsidy commitments; nor shall non-commercial transactions be used to circumvent such commitments.

[8] Tomohiko Kobayashi, Revisiting the Role of Anti-Circumvention Provisions under the WTO Agreement: Lessons for East Asia, Korean Journal of International and Comparative Law 2 139-163(2014).

[9] Weihuan Zhou, Circumvention and Anti-Circumvention: Rising Protectionism in Australia, 15 WORLD TRADE REV. 495 (2016).

[10] Council Regulation (EEC) No 1761/87 of 22 June 1987 amending Regulation (EEC) No 2176/84 on protection against dumped or subsidized imports from countries not members of the European Economic Community (Quy định của Hội đồng (EEC) Số 1761/87 ngày 22 tháng 6 năm 1987 Quy định sửa đổi (EEC) số 2176/84 về bảo vệ chống bán phá giá hoặc trợ cấp hàng nhập khẩu từ các nước không phải là thành viên của Cộng đồng Kinh tế Châu Âu).

[11] WTO, Committee on Anti-Dumping Practices, Informal Group on Anti-Circumvention, Topic 1 What Constitutes Circumvention?, Paper by the European Community, G/ADP/IG/W/1 (3 October 1997); WTO, Committee on Anti-Dumping Practices, Informal Group on Anti-Circumvention, Topic 1 What Constitutes Circumvention?, Paper by the United States, G/ADP/IG/W/2 (8 October 1997).

[12] Case C-72/11, Afrasiabi and others, EU:C:2011:874.

[13] Regulation (EU) 2016/1036 of the European Parliament and of the Council of 8 June 2016 on protection against dumped imports from countries not members of the European Union (codification), xem tại: EUR-Lex - 32016R1036 - EN - EUR-Lex (europa.eu).

[14] Edwin Vermulst, "EU anti-circumvention rules: do they beat the alternative?." Robert Schuman Centre for Advanced Studies Research Paper No. RSCAS 57 (2015).

[15] Đây là  hệ thống mã hóa gồm tám chữ số của EU phục vụ thuế hải quan chung của EU và cung cấp số liệu thống kê về thương mại trong EU và giữa EU với phần còn lại của thế giới. Xem tại: https://trade.ec.europa.eu/access-to-markets/en/content/combined-nomenclature-0.

[16] Footwear with leather uppers from China, Vietnam, [2008] OJ L117/1 (extension Macao).

[17] Bicycles from China, [1997] OJ L16/55 (amendment).

[18] Polyester staple fibre from Belarus, [1997] OJ L346/1.

[19] Yu Yanning. Circumvention and Anti-Circumvention Measures: The Impact on Anti-Dumping Practice in International Trade, Wolters Kluwer Law & Business (2008).

[20] Certain ring binder mechanisms from China, [2008] OJ L221/1.

[21] Steel Ropes and cables from China, [2010] OJ L117/1.

[22] Lucia Ostoni, Anti-Dumping Circumvention in the EU and the US: Is There a Future For Multilateral Provisions Under the WTO?, 10 Fordham J. Corp. & Fin. L. 407 (2005).

[23] Laura Puccio, ‘20 Years After Marrakesh: Reconsidering the Effects of Preferential Rules of Origin and Anti-Circumvention Rules on Trade in Inputs and Global Production Networks’, in Christoph Herrmann, Markus Krajewski and Jorg Philipp Terhechte (eds), European Yearbook of International Economic Law New York Springer, 190 (2014).

[24] Yu Yanning. Circumvention and Anti-Circumvention Measures: The Impact on Anti-Dumping Practice in International Trade. Wolters Kluwer Law & Business (2008).

[25] Arnoud R. Willems, Bregt Natens, What’s Wrong with EU Anti-Circumvention Rules and How to Fix it , Journal of International Economic Law, 19, 497 (2016).

[26] Tlđd, 25

[27] Quy định và thực tiễn tại Việt Nam về điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, xem tại: Quy định và thực tiễn tại Việt Nam về điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại - ASL LAW (aslgate.com), truy cập lần cuối ngày 12/09/2023.

[28] Nội dung các hành vi lẩn tránh quy định tại các điều 74, 76, 77 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP chưa bao gồm cả hành vi lẩn tránh biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ thương mại.

[29] Lâm Thị Quỳnh Anh, Thực trạng sử dụng công cụ phòng vệ thương mại của EU và một số vấn đề cần lưu ý khi thực thi FTA, Tạp chí Tài chính, xem tại: Thực trạng sử dụng công cụ phòng vệ thương mại của EU và một số vấn đề cần lưu ý khi thực thi FTA – Tạp chí Tài chính (tapchitaichinh.vn), truy cập lần cuối ngày 10/09/2023.

 

Bạn đang đọc bài viết "Chống lẩn tránh phòng vệ thương mại trong pháp luật EU và những giá trị tham khảo đối với Việt Nam" tại chuyên mục Tư vấn - Bàn tròn. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com