Ngoại giao cây tre Việt Nam: “Vững ở gốc, chắc ở thân, uyển chuyển ở cành”

Ánh Hiền

21/04/2024 20:43

Theo dõi trên

Trải qua hơn chín thập kỷ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu chọn lọc tinh hoa tư tưởng của thời đại, nền ngoại giao Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam: vững ở gốc, chắc ở thân, uyển chuyển ở cành”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt.

Có thể nói, cây tre là một trong những biểu tượng của văn hóa, in đậm trong đời sống của con người Việt Nam. Đặc điểm nổi trội của cây tre là dẻo dai, giàu sức sống, dễ thích nghi với môi trường. Tre thường sống kết thành bụi, thành lũy, thậm chí thành rừng, rễ tre bám sâu vào lòng đất. Trong mỗi bụi tre, lũy tre, rừng tre, cây to khỏe ở ngoài che đỡ cho cây non, tre già măng mọc. Gốc tre vững chắc, cành tre uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường.

Hình ảnh cây tre được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng trong lãnh đạo công tác ngoại giao của nước ta. Biểu tượng cây tre: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, chính là triết lý, phương pháp luận và phương châm chỉ đạo của ngoại giao Việt Nam.

Vững ở gốc là nguyên tắc vì lợi ích quốc gia - dân tộc để phục vụ, là đường lối đối ngoại độc lập - tự chủ, lấy thực lực làm gốc, lấy đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế để tạo thế, lập thời; lấy phương pháp luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng soi đường, chỉ lối. Đường lối đó đã mở ra cho đất nước vận hội phát triển mới, có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đường lối đó tiếp tục là nền tảng vững chắc để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng phát triển với các mục tiêu trong những thập niên sắp tới.

Chắc ở thân là những phương pháp tạo nên sức mạnh, trong đó sức mạnh đoàn kết là nhân tố sống còn; đại đoàn kết trong nước là căn bản, đoàn kết quốc tế là nhân tố bổ trợ hết sức quan trọng. Sức mạnh của đối ngoại toàn diện có được dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại... Sức mạnh của Việt Nam còn thể hiện ở tính chính danh, chính nghĩa, phương cách ứng xử nhân văn, có trước có sau, cách hành xử thượng tôn pháp luật và phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại.

Uyển chuyển ở cành là phong cách, nghệ thuật ứng xử linh hoạt, nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đặc biệt trong các hoàn cảnh khó khăn, có sự mâu thuẫn giữa những xu thế khác nhau, giữa đòi hỏi phải hài hòa cái chung và cái riêng, nhằm giữ vững bản sắc, giá trị đất nước và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam phù hợp với những giá trị chung của nhân loại. Đó là cách ứng xử “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “biết dừng, biết biến” của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.

anh-tong-bi-thu-pld-1713706900.jpg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

 

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, dân tộc Việt Nam vô cùng khéo léo và mạnh mẽ trong thích ứng với thiên nhiên, đấu tranh với kẻ thù để tồn tại và không ngừng phát triển. Đó cũng chính là phẩm chất và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam! Trong bối cảnh thế giới có nhiều thách thức, xung đột và tranh chấp ngày càng gia tăng, Việt Nam vừa duy trì an ninh chính trị và thể chế ổn định, vừa phát triển kinh tế và xã hội phồn vinh, điều này không thể tách rời được sự lãnh đạo kiên cường của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối đối ngoại mang bản sắc "cây tre Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 

Với đường lối, chính sách ngoại giao đúng đắn, Việt Nam luôn bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 192 trong tổng số 200 quốc gia trên thế giới; trong đó 4 nước có quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”, 17 nước “đối tác chiến lược” và 13 nước “đối tác toàn diện". Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng.

Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, các thế hệ cán bộ đối ngoại, ngoại giao vẫn thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, cốt cách của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh và kế tiếp được truyền thống đối ngoại quật cường nhưng hòa hiếu của dân tộc Việt Nam, tiếp tục dành được sự tin tưởng, ủng hộ và đáp ứng được sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trước những biến động rất phức tạp trên thế giới và những tác động tiêu cực từ bên ngoài, chúng ta đã kiên định tính độc lập, tự chủ trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, nêu cao tinh thần hòa hiếu, đồng thời linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược để xử lý đúng đắn, hài hòa quan hệ với các đối tác, nhất là với các nước láng giềng, các nước lớn và các đối tác quan trọng, cũng như các tình huống phức tạp về biên giới trên bộ và trên biển, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa...

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, ngày 19-12-2023)

 

BÀI LIÊN QUAN
Bạn đang đọc bài viết "Ngoại giao cây tre Việt Nam: “Vững ở gốc, chắc ở thân, uyển chuyển ở cành”" tại chuyên mục Chính sách - Sự kiện. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com