Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tiến hành điều chỉnh quy trình để nâng cao chất lượng sách giáo khoa

Tiên Nguyễn

12/11/2021 17:59

Theo dõi trên

Sáng 11/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó có chương trình giáo dục theo bộ sách giáo khoa mới.

Tài liệu giảng dạy phải đảm bảo chuẩn mực, khoa học

Tham gia tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng, Bộ trưởng khẳng định chương trình giáo dục phổ thông mới là đúng hướng, tốt, nhưng để đánh giá hiệu quả chương trình phổ thông thì phải qua sách giáo khoa.

vnapotalkyhopthuhaiquochoikhoaxvphienchatvanvatraloichatvanvelinhvucgiaoducvadaotao5764159-16366017923451621001405

 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn

"Theo Bộ trưởng, có cần một quy trình bất di bất dịch trong việc quyết định sử dụng những bộ sách giáo khoa trong tương lai: không rút ngắn, thay đổi vì bất cứ nguyên nhân gì? Bộ trưởng đã có nghiên cứu khách quan, tổng kết việc triển khai sách giáo khoa mới trong thời gian vừa qua hay chưa?", ông Hiếu chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết các bộ sách giáo khoa hiện tại là để phục vụ chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, so với sách giáo khoa chương trình cũ có sự khác nhau về tính chất, cách thức sử dụng. Chương trình 2018 mang tính pháp điển, là cơ sở để kiểm tra đánh giá. Sách giáo khoa bây giờ được xem là học liệu, là căn cứ để xã hội hóa, triển khai nhiều bộ khác nhau.

Tuy nhiên, quan điểm của Bộ là bất cứ tài liệu nào được đưa vào giảng dạy cũng phải đạt chuẩn mực, tính khoa học, sư phạm. Chủ trương của Bộ là "cố gắng có những sản phẩm giáo khoa tốt nhất". Về việc thực nghiệm, do đây là tài liệu nên quá trình triển khai thiên về việc giáo viên sử dụng thế nào, thực hành ra sao. Còn tính khoa học, chính xác đúng sai như thế nào thuộc trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) cho rằng, nhiều sách giáo khoa thiếu tính thuyết phục khiến dư luận có ý kiến. Chẳng hạn bộ sách khoa học tự nhiên, tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có một số điểm thiếu tính khoa học và giáo dục. Trong đó, môn học tích hợp trong chương trình sách giáo khoa mới đang nảy sinh tình trạng một môn học có ba giáo viên được lên lớp, do chuyên môn giáo viên khác nhau. Đại biểu đặt câu hỏi: “Ngành giáo dục giải quyết vấn đề này ra sao?”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong quá trình thiết kế, Bộ đã hướng dẫn các trường sắp xếp để 3 giáo viên thuộc 3 phân môn khác nhau dạy học theo logic của nội dung. Nếu đơn vị sắp xếp đúng, sẽ triển khai thuận lợi. Ngược lại, đơn vị sắp xếp cả 3 giáo viên cùng dạy sẽ lúng túng.

Bộ trưởng cho rằng, vấn đề này đặt vai trò quan trọng vào tay những người quản lý của các trường trong nhiệm vụ phân bổ giáo viên. Trong quá trình triển khai, bộ cũng tập huấn cho hơn 9.000 giáo viên cốt cán và sẽ tăng cường hơn trong thời gian sắp tới.

Nhiều đại biểu khác cũng đề cập đến tình trạng sai sót trong sách giáo khoa và đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời rõ, đồng thời yêu cầu các Hội đồng biên soạn rà soát và có giải pháp cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết thời gian qua có nhiều luồng ý kiến của dư luận về chất lượng sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa lớp 6. Hội đồng chuyên môn làm sách giáo khoa đã tiến hành thảo luận với các đơn vị, kịp thời điều chỉnh, sửa chữa nội dung trước khi đến tay học sinh. Về lâu dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành điều chỉnh các quy trình, điều kiện để đảm bảo sách giáo khoa trong thời gian tới có chất lượng cao hơn.

Bộ Giáo dục sẽ giám sát quá trình biên soạn sách giáo khoa

Nói cụ thể hơn về giải pháp để tăng chất lượng sách giáo khoa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, cần rất nhiều yếu tố để có một bộ sách chất lượng. Ngoài yếu tố con người, đội ngũ, tác giả biên soạn thì cần có quy trình biên soạn, thực hiện lấy ý kiến của các liên quan khác nhau.

“Chúng tôi đang sửa đổi Thông tư 33 về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa. Hiện đang lấy ý kiến trên mạng. Chủ trương là không đợi các tác giả mang bản mẫu đến thì mới thẩm định mà chủ trương có sự giám sát, đồng hành ngay từ đầu. Dù xã hội hóa nhưng sẽ đồng hành ngay từ đầu chứ không phó thác cho các nhóm tác giả”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nâng cao yêu cầu, tiêu chuẩn với các thầy, cô, các nhà khoa học tham gia soạn sách và các tổ chức, cá nhân cần phải đăng ký trước cũng giống như đăng ký kinh doanh, để Bộ còn biết trước được kế hoạch.

Tiêu chuẩn của các thành viên trong các Hội đồng cũng sẽ được điều chỉnh và những người tham gia biên soạn sẽ không tham gia Hội đồng thẩm định. Hội đồng thẩm định sẽ có thêm một số yêu cầu, có thể sẽ tăng thêm áp lực cho thành viên tham gia Hội đồng thẩm định, như toàn bộ thành viên Hội đồng sẽ được ghi tên vào sách giáo khoa được phát hành và phải chịu trách nhiệm.

Như vậy, theo Bộ trưởng, để nâng cao chất lượng sách giáo khoa, cần thực hiện đồng bộ rất nhiều yếu tố, biện pháp.

“Tinh thần là sẽ không phó thác cho tổ chức, cá nhân trong quá trình làm sách giáo khoa thì mới tăng chất lượng”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định.

Bạn đang đọc bài viết "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tiến hành điều chỉnh quy trình để nâng cao chất lượng sách giáo khoa" tại chuyên mục Sự kiện. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com