
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu thảo luận tại tổ - Ảnh: VGP/Thu Giang
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 7/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Thảo luận tại tổ 5 (gồm các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, Quảng Nam, Yên Bái), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh đây là cơ hội để thay đổi toàn diện tư duy và triết lý trong xây dựng nền công vụ. Việc sửa đổi mang tính căn bản, đồng bộ và toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu mới trong giai đoạn phát triển đất nước.
Một trong những điểm trọng tâm của dự luật là xác lập rất rõ các quy định về vị trí việc làm. Đây là công cụ, là sợi chỉ xuyên suốt trong hành trình thiết kế luật, thể hiện vị trí việc làm đóng vai trò then chốt, là trung tâm trong toàn bộ quá trình từ tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đến khen thưởng, kỷ luật công chức. Tuy nhiên, bên cạnh đó, dự thảo vẫn duy trì ngạch công chức.
"Tại sao lại giữ ngạch công chức? Có nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng thiết kế vị trí việc làm thì nên chăng bỏ ngạch công chức?" Bộ trưởng Nội vụ nói và cho biết, trên thực tế, ngạch vẫn là công cụ kỹ thuật quan trọng để phân định thứ bậc trong nền công vụ. Nếu bỏ ngay, sẽ gây khó khăn trong việc thiết kế cơ chế, chính sách, nhất là trong bối cảnh đang thực hiện cải cách tiền lương.
"Vì vậy, ngạch công chức sẽ được giữ lại nhưng nó chỉ là một công cụ kỹ thuật để phân biệt thứ bậc, chứ không phải là cốt lõi trong nền công vụ", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay.
Một điểm đổi mới lớn khác của dự thảo là đề xuất bãi bỏ quy định về tập sự một năm đối với công chức mới tuyển dụng và bỏ thi nâng ngạch. Theo Bộ trưởng, điều này đáp ứng mong mỏi của đội ngũ cán bộ, công chức.
Dự thảo cũng đề cập mạnh mẽ đến chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Một số quy định nguyên tắc về cơ chế chính sách đặc thù trước đây chỉ tồn tại ở cấp nghị định, nay được thể chế hóa trong luật nhằm tạo cơ sở pháp lý bền vững cho việc ban hành các chính sách linh hoạt theo từng giai đoạn phát triển.
Bộ trưởng lấy ví dụ về Nghị định 179 – một chính sách tương đối mạnh về thu hút người tài – song vẫn chưa đủ sức hấp dẫn. Do đó, cần thiết tiếp tục đưa vào luật các cơ chế phù hợp hơn, để sau này Chính phủ có thể ban hành các quy định cụ thể, sát với thực tiễn.
Đánh giá công chức theo KPI
Một nội dung quan trọng khác của dự thảo luật là khắc phục tư duy "biên chế suốt đời". Bộ trưởng nhấn mạnh, nếu không dứt điểm thay đổi tư duy này, nền công vụ sẽ khó đổi mới. Để thực hiện điều đó cần có hai công cụ chính: Thứ nhất là công cụ đánh giá dựa trên vị trí việc làm, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để lượng hóa kết quả công việc.
Thứ hai là cơ chế hợp đồng, bao gồm hợp đồng chuyên gia, nhà khoa học và hợp đồng ở một số vị trí việc làm. Điều này phù hợp với xu thế quốc tế, thay vì duy trì mô hình "biên chế cứng".
Theo Bộ trưởng, khi trình dự thảo lên Chính phủ, một số ý kiến còn băn khoăn về cơ chế hợp đồng, tuy nhiên sau khi được giải trình, đã có sự đồng thuận vì mô hình này đã được nhiều nước có nền công vụ tiên tiến áp dụng, thể hiện tính linh hoạt trong tuyển dụng và quản lý nhân sự.
Về đánh giá công chức, dự thảo luật đưa ra 4 mức đánh giá. Sau khi luật được Quốc hội thông qua, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn cụ thể về việc đánh giá công chức, trong đó áp dụng phương pháp đánh giá bằng KPI, dựa trên dữ liệu số, với các tiêu chí định lượng rõ ràng. Việc lấy sản phẩm công việc làm thước đo đánh giá hiệu quả sẽ thay thế cách đánh giá định tính chung chung hiện nay. Đây được xem là một cải cách mạnh mẽ, hiện đại hóa nền công vụ.
Ngoài ra, dự thảo cũng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, trong đó trao trách nhiệm lớn cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, khen thưởng và bổ nhiệm cán bộ, công chức. Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cũng là một điểm nhấn đổi mới trong quản trị công vụ.