Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025: Khẳng định nhiều giá trị nhân văn và thành tựu to lớn của Việt Nam

Việc đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại TPHCM là dấu ấn rõ nét, cho thấy vai trò ngày càng được nâng cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo quốc tế. Thành công của Đại lễ là một minh chứng hùng hồn, khẳng định nhiều giá trị nhân văn và thành tựu to lớn của đất nước, con người Việt Nam.
Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025: Khẳng định nhiều giá trị nhân văn và thành tựu to lớn của Việt Nam- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Quốc tế Vesak Liên Hợp Quốc Hòa thượng Brahmapundit... dự lễ bế mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 với nhiều ý nghĩa, đong đầy tình đoàn kết, sẻ chia và hoan hỷ diễn ra trong những ngày qua tại TPHCM đã khép lại và bế mạc vào sáng nay (8/5).

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự và phát biểu tại lễ bế mạc.

Tham dự lễ bế mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2025; Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV) Hòa thượng Brahmapundit; các đại biểu quốc tế; các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam; các tăng ni, Phật tử…

Trước khi tham dự lễ bế mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng các đại biểu đã chiêm bái Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - bảo vật quốc gia Ấn Độ và là bảo vật thiêng liêng của nhân loại. Xá lợi Đức Phật là kết tinh của tinh thần bi, trí, dũng, là hiện thân của hạnh nguyện vô ngã vị tha.

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025: Khẳng định nhiều giá trị nhân văn và thành tựu to lớn của Việt Nam- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình khẳng định, việc đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại TPHCM là dấu ấn rõ nét, cho thấy vai trò ngày càng được nâng cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo quốc tế - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Lời hiệu triệu mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế, kiến tạo một thế giới hòa bình

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 có sự tham gia của trên 2.700 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều nguyên thủ, lãnh đạo các quốc gia, đại diện Liên Hợp Quốc, hơn 1.350 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng vạn tăng ni, Phật tử và những người có tín ngưỡng Phật giáo khắp nơi trên thế giới. Đại lễ Vesak năm nay đã được tổ chức hết sức trọng thể, tôn nghiêm, là sự kiện tôn giáo-văn hóa quốc tế có quy mô và tầm vóc.

Đại lễ diễn ra vào thời điểm vô cùng đặc biệt. Toàn thể dân tộc Việt Nam vừa long trọng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025) và đang tích cực chuẩn bị hành trang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, hạnh phúc của dân tộc.

Trong không khí hân hoan, tràn đầy tự hào ấy, ngọn cờ của Vesak, biểu tượng của tư tưởng nhân văn cao đẹp, của hòa bình, hữu nghị và hợp tác quốc tế lại một lần nữa được giương cao, tung bay trên bầu trời đất nước Việt Nam, đất nước yêu chuộng hòa bình.

Đại lễ cũng là dịp để những Phật tử khắp thế giới cùng nhau kết nối tâm linh, hun đúc tinh thần đoàn kết và phát huy các giá trị cao đẹp của Phật giáo. Những ngày qua, tinh hoa tư tưởng, trí tuệ và lòng từ bi của Phật giáo đã lan tỏa sâu rộng, trở thành nhịp cầu gắn kết các dân tộc, các tôn giáo và các nền văn hóa với nhau. Tất cả cùng chung một tâm nguyện cao cả là thúc đẩy tinh thần khoan dung, hòa hợp và nhân ái để xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác và hạnh phúc bền lâu cho nhân loại.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã từng nhận định: "Những lời dạy vượt thời gian của Đức Phật về hòa bình, lòng từ bi và sự phục vụ người khác chính là con đường dẫn đến một thế giới tốt đẹp hơn, thấu hiểu hơn và hài hòa hơn cho tất cả mọi người". Điều này đã được thể hiện rõ qua Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm nay.

Thành công của Đại lễ Vesak 2025 với chủ đề "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững" một lần nữa khẳng định trách nhiệm cao cả của Phật giáo trước những vấn đề mang tính toàn cầu.

Đại lễ là nguồn cảm hứng lớn lao, đánh thức niềm tin và khơi dậy năng lượng thiện lành trong mỗi con người; khẳng định các giá trị cốt lõi của Phật giáo như lòng từ bi, chánh niệm và đạo đức, có khả năng chỉ rõ con đường hiệu quả, bền vững để giải quyết các vấn đề, thách thức toàn cầu hiện nay, từ phát triển con người toàn diện, bảo vệ môi trường, cho đến xây dựng nền hòa bình vững chắc; là lời hiệu triệu mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế để kiến tạo một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững vì lợi ích chung của toàn nhân loại.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu khẳng định: "Phật giáo Việt Nam với dân tộc ta đã cùng chia ngọt sẻ bùi trong suốt mấy nghìn năm lịch sử". Truyền thống tốt đẹp ấy không chỉ được bảo vệ mà còn tiếp tục được phát huy mạnh mẽ. Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn nêu cao tinh thần từ bi, trí tuệ, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tạo nền tảng vững chắc cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng vào việc xây dựng xã hội an lạc, ngày càng phát huy vai trò to lớn của Phật giáo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025: Khẳng định nhiều giá trị nhân văn và thành tựu to lớn của Việt Nam- Ảnh 3.

Thành công của Đại lễ một lần nữa khẳng định trách nhiệm cao cả của Phật giáo trước những vấn đề mang tính toàn cầu; là một minh chứng hùng hồn, khẳng định nhiều giá trị nhân văn và thành tựu to lớn của đất nước, con người Việt Nam - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025: Khẳng định nhiều giá trị nhân văn và thành tựu to lớn của Việt Nam- Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình tin tưởng và hy vọng các vị khách quốc tế, các đại biểu sẽ mang thông điệp Vesak 2025 tại Việt Nam với niềm tin yêu về một cuộc sống hòa bình, tốt đẹp đến với các quốc gia, vùng lãnh thổ và cộng đồng thế giới - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng được nâng cao trong cộng đồng Phật giáo quốc tế

Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình khẳng định, việc đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại TPHCM là dấu ấn rõ nét, cho thấy vai trò ngày càng được nâng cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo quốc tế và trong tăng cường đối thoại các vấn đề toàn cầu, ngăn chặn xung đột, thúc đẩy công bằng xã hội và phát triển bền vững. Đây cũng là minh chứng sinh động cho cam kết của Việt Nam trong việc phổ biến giáo pháp của đức Phật.

Đất nước Việt Nam sau 40 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, trong đó đã nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được tăng cao, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá như một điểm sáng về xoá đói giảm nghèo, là biểu tượng của hoà bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư và du khách quốc tế.

"Cũng tại Diễn đàn này, tôi có thể chia sẻ với quý vị, trong năm 2025 Việt Nam sẽ miễn học phí cho trẻ em, hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát và làm nhà mới cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo (với khoảng 223.000 căn nhà). Chúng tôi cũng sẽ sớm có giải pháp để giảm gánh nặng chi phí y tế, tiến tới miễn viện phí cho người dân vào giai đoạn 2030-2035. Đức Phật từ bi luôn mong muốn, dõi theo, phù hộ và thúc giục chúng ta làm những việc phúc đức, thận tâm như vậy", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam luôn thực hiện chính sách nhất quán tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam, những năm qua, đồng bào các dân tộc, tôn giáo luôn đoàn kết, gắn bó, tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, góp phần đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, từ thiện nhân đạo, cùng với Nhà nước chăm lo cho người nghèo, người yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau. Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để nhân dân Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại Việt Nam đã diễn ra thành công tốt đẹp. Thành công của Đại lễ là một minh chứng hùng hồn, khẳng định nhiều giá trị nhân văn và thành tựu to lớn của đất nước, con người Việt Nam.

Đó là: Khẳng định truyền thống văn hóa hòa hiếu, từ bi, hướng thiện, yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam. Khẳng định chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn của Đảng và sự thực thi hiệu quả trên thực tế.

Đồng thời khẳng định kết quả rõ rệt trong chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân đã được thể hiện bằng sự tham gia của hàng triệu lượt người trong các sự kiện của Đại lễ với tâm thế hoan hỷ, tin tưởng, linh thiêng và trật tự. Khẳng định vị thế, uy tín quốc tế và trách nhiệm chủ động của Việt Nam trong tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025: Khẳng định nhiều giá trị nhân văn và thành tựu to lớn của Việt Nam- Ảnh 5.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng các đại biểu chiêm bái Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - bảo vật quốc gia Ấn Độ và là bảo vật thiêng liêng của nhân loại - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, nước chủ nhà đăng cai tổ chức Đại lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trân trọng cảm ơn các đại biểu là đại diện của Liên Hợp Quốc, các vị khách quốc tế cùng toàn thể các đại biểu và tăng ni, phật tử gần xa đã nhiệt tình hưởng ứng, tham dự, đóng góp trí tuệ và công sức, góp phần vào sự thành công của Đại lễ; cho rằng thành công của Đại lễ năm nay cho thấy Vesak là lễ hội quan trọng của cộng đồng Phật giáo thế giới, cần được duy trì tổ chức hằng năm.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực trân trọng cảm ơn và đánh giá cao nỗ lực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúc mừng thành công của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các thành viên của Ủy ban tổ chức quốc tế (ICDV), Ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, sự hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương liên quan, các cơ quan thông tấn quốc tế và Việt Nam… đã dành nhiều tâm huyết, công sức, góp phần quan trọng để Đại lễ Vesak 2025 đạt được kết quả như mong đợi; tin tưởng và hy vọng các vị khách quốc tế, các đại biểu sẽ mang thông điệp Vesak 2025 tại Việt Nam với niềm tin yêu về một cuộc sống hòa bình, tốt đẹp đến với các quốc gia, vùng lãnh thổ và cộng đồng thế giới.