Đằng sau thương vụ “khủng” của tập đoàn Singapore tại Việt Nam

13/07/2023 20:37

Theo dõi trên

Với việc bỏ ra hơn 381 triệu USD để thâu tóm một bệnh viện tư nhân, tập đoàn hàng đầu Singapore đang cho thấy những tham vọng không nhỏ tại thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam.

Mới đây, Thomson Medical Group, tập đoàn chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em hàng đầu Singapore, đã đồng ý mua lại cổ phần kiểm soát tại Bệnh viện FV với mức giá 381.4 triệu USD, đánh dấu thương vụ lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam.

tap-doan-thomson-medical-pld-1689255058.jpg
Tập đoàn Thomson Medical mua lại Bệnh viện FV.

Theo thông cáo báo chí công bố vào ngày 12/07, “ông lớn” trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Singapore sẽ trả trước khoảng 359.6 triệu USD và trả thêm 21.8 triệu USD tùy theo một vài tiêu chí về thành tích. Và để thực hiện thương vụ này, Thomson Medical Group sẽ dùng nguồn lực từ công ty và các khoản vay nợ.

Trên thực tế, thương vụ này đã được đồn đoán từ tháng trước khi mà tờ Bloomberg News đã đưa tin rằng tập đoàn chăm sóc sức khỏe của Singapore này đang trong quá trình đàm phán để mua lại Bệnh viện FV từ tay Quadria Capital, sau khi vượt qua các đối thủ cạnh tranh khác.

Bệnh viện FV do Jean-Marcel Guillon và một nhóm bác sĩ người Pháp thành lập tại TP.HCM vào năm 2003. Tính tới cuối năm 2022, bệnh viện này có gần 200 giường bệnh, chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan tới ung bướu, tim mạch, nhãn khoa, thai sản và tiêu hóa.

Ngoài ra, FV cũng đang điều hành một phòng khám đa khoa ngoại trú ở Tp.HCM, đồng thời các cơ sở y tế của FV cũng điều trị bệnh nhân từ các nước láng giềng như Campuchia, Lào và Myanmar.

Trong khi đó, Thomson Medical Group được thành lập vào năm 1979 và là một trong những công ty tư nhân lớn nhất trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ chăm sóc cho phụ nữ và trẻ em ở Singapore. Mặc dù cổ phiếu của công ty này đã giảm 22% từ đầu năm 2023 nhưng mức vốn hóa thị trường của họ vẫn đang ở mức 1.2 tỷ USD.

Theo một báo cáo của PricewaterhouseCoopers (PwC), một trong bốn “ông lớn” kiểm toán hàng đầu thế giới, mặc dù các giao dịch M&A tại Việt Nam đã chậm lại trong năm 2022, nhưng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe lại là một trong số ít các lĩnh vực hàng đầu thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2023.

thi-truong-cham-soc-suc-khoe-viet-nam-pld-1689255058.jpg
Thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành của VinaCapital, cũng cho biết lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế và dược phẩm, cũng như phân phối thuốc và dịch vụ y tế tại Việt Nam đang trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trên thực tế, với tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng, dân số già hóa, một số thách thức mà hệ thống bệnh viện công phải đối mặt và nhận thức ngày càng tăng về tầm quan trọng của dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng tốt, các cơ hội dành cho các công ty nước ngoài là rất rõ ràng.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thị trường cho biết, thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam đang rộng cửa, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài một phần do thị trường đang trở nên cởi mở hơn.

Bên cạnh đó, dân số Việt Nam chính thức bước vào “giai đoạn già hóa” vào năm 2017 và nằm trong số những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam lên tới 75,4 tuổi và người cao tuổi có thể chiếm hơn 17% dân số Việt Nam vào năm 2030.

Do đó, nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe được cải thiện để đáp ứng nhu cầu của người Việt. Hơn nữa, tình trạng quá tải tại các bệnh viện công đang là vấn đề cấp bách của hệ thống y tế Việt Nam. Nhiều người thành thị tại Việt Nam thường ra nước ngoài để điều trị, ước tính mỗi năm có khoảng 40.000 người chi khoảng 2 tỷ USD cho việc chữa bệnh tại nước ngoài.

Nhìn chung, tổng chi tiêu cho y tế của Việt Nam có khả năng đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD vào năm 2030.

ong-kiat-lim-pld-1689255058.jpg
Ông Kiat Lim, Phó Chủ tịch điều hành tại Thomson Medical Group.

“Bệnh viện FV giúp chúng tôi có vị thế chiến lược ở Việt Nam. Đây cũng là cánh cửa dẫn tới tăng trưởng và tập trung vào các khoản đầu tư tương lai ở thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng này”, ông Kiat Lim, Phó Chủ tịch điều hành tại Thomson Medical Group, chia sẻ trong một tuyên bố.

Rõ ràng, với sự phát triển nhanh chóng của xã hội Việt Nam cả về nhận thức về tầm quan trọng của chất lượng chăm sóc sức khỏe và khả năng chi trả cho dịch vụ, cùng với việc thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại địa phương đã tạo ra nhiều cơ hội cho các công ty nước ngoài đầu tư và phát triển sự hiện diện tại đây. Chính điều này cũng đang tạo ra cơ hội cho Thomson Medical Group dấn sâu hơn vào thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết "Đằng sau thương vụ “khủng” của tập đoàn Singapore tại Việt Nam" tại chuyên mục Chủ đầu tư. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com