Để hội phụ huynh không trở thành “hội phụ thu”?

PV

28/10/2022 22:50

Theo dõi trên

Cần làm gì để ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả, đúng tinh thần của Bộ Giáo dục – đào tạo và không bị nghĩ là “ban thu tiền”?

Hoạt động giáo dục mờ nhạt

Ai có con theo học cả trường công lẫn tư thục đều rất ngán ngẩm mỗi dịp họp phụ huynh đầu năm. Dẫu biết có những khoản thu vô lý nhưng cha mẹ không dám bày tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ, nếu không muốn khó xử cho con em mình.

Năm học mới là thời điểm vô cùng háo hức và sôi động không chỉ là riêng thầycô và học trò, mà còn là những câu chuyện liên quan đến hội phụ huynh và các khoản thu để duy trì hoạt động cho cả năm học. Tuy nhiên cũng có những câu chuyển dở khóc dở cười như việc một bạn nhỏ đi về nhà khóc tức tưởi vì bị bạn bàn luận chuyện mẹ mình phản đối hội phụ huynh thu nhiều khoản tiền rất vô lý, từ việc mua tivi hỗ trợ giảng dạy đến việc thay rèm cửa, mua micro cho giáo viên, mua thêm bình lọc nước (dù đã phải đóng tiền nước tinh khiết)… Bằng cách nào đó mà bọn trẻ lại biết được câu chuyện diễn ra trong cuộc họp phụ huynh đầu năm và tỏ thái độ bức xúc với bạn học sinh này?

Hoạt động của hội phụ huynh (ban đại diện cha mẹ học sinh) chủ yếu là phối hợp với trường thực hiện các hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, trong thực tế, việc phối hợp thực hiện các hoạt động giáo dục của hội phụ huynh và trường thông thường rất mờ nhạt và kém hiệu quả. Ngược lại, hội phụ huynh dường như quá nhiệt tình với các hoạt động tài chính. Điều này có thể nhìn thấy rõ tại các cuộc họp đầu năm. 

Thông thường, trình tự cuộc họp diễn ra chóng vánh ở phần đầu, nơi giáo viên báo cáo nhanh, đa số như một cuộc độc thoại mà nội dung chủ yếu xoay quanh chuyện học tập và nhắc nhở nội quy của lớp học. Ngay sau đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ dành thời gian để các phụ huynh tự làm việc với nhau. Và đương nhiên trong cuộc làm việc riêng giữa các phụ huynh với nhau thông thường chỉ xoay quanh vấn đề đóng góp tiền. Thông thường, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ đề xuất các khoản thu, rồi tiến hành trao đổi và thống nhất trên tinh thần tự nguyện. Nhưng kỳ thực, đa số phụ huynh biết “tự nguyện” chỉ là vỏ bọc mà thôi.

Theo quy định, có đến gần bảy khoản ủng hộ mà ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu. Tuy nhiên, cả rất nhiều khoản cấm trong thông tư này đều đang được thu trên tinh thần hợp lý hóa bằng các cụm từ hoa mỹ như “dựa trên tinh thần tự nguyện”, “cốt để phục vụ tốt hơn cho việc học của con em”… Cứ như thế, hội phụ huynh dần dà thành người hỗ trợ nhiệt tình thu hộ cho nhà trường những khoản bị cấm, thậm chí bị lợi dụng để tư lợi.

Nên hoạt động đúng vai trò

Thay vì xóa bỏ một tổ chức cần thiết, nên đưa hội phụ huynh quay trở lại hoạt động đúng vai trò của nó. Bằng sự nỗ lực từ cả hai phía, hội phụ huynh và nhà trường, các cấp quản lý giáo dục cần chấm dứt tình trạng nhắm mắt làm ngơ trước các khoản thu trái quy định.

Quan trọng hơn hết là ý thức sử dụng tiếng nói và quyền “từ chối ủng hộ”các khoản thu không hợp lý do ban đại diện cha mẹ học sinh đề xuất, nhiều bậc phụ huynh đã lặng lẽ từ chối quyền chính đáng này. Một khi chúng ta không sử dụng hết quyền của mình sẽ là cơ hội cho các tổ chức, cá nhân khác lạm quyền.

Họp phụ huynh đầu năm học

Sử dụng cho hợp lý tiền quỹ lớp

Nếu ban cha mẹ học sinh muốn thu quỹ thì cần tuân thủ chủ trương của bộ, thu chi công khai, minh bạch và phải dựa trên tinh thần tự nguyện của tất cả phụ huynh.

Phần quỹ này không được dùng để phục vụ cho nhà trường mà chỉ nên phục vụ cho hoạt động học tập của trẻ. Nếu ban phụ huynh làm được những điều này, việc thu cả trăm triệu tiền quỹ vẫn có khả năng. “Thu ít hay thu nhiều, dù đóng một tháng, một kỳ hay một năm, nếu phụ huynh cảm thấy vui vẻ, tự nguyện thì đấy là hợp lý, thu cào bằng thì không còn hợp lý”.

Trách nhiệm ban giám hiệu rất lớn

Do đó, dù phụ huynh trực tiếp thu tiền, phía nhà trường vẫn nên có trách nhiệm nhắc nhở, hướng dẫn phụ huynh xây dựng kế hoạch thu, chi hợp lý, tránh tổ chức thu cào bằng và gây ra những tranh cãi không đáng có. Nếu nhà trường không đồng ý, không phụ huynh nào dám thu quỹ mạnh tay. Việc quán triệt rõ ràng hoạt động thu quỹ sẽ tránh được tình trạng một số phụ huynh “mượn” chuyện thu quỹ để phục vụ mục đích riêng, giống như “mượn hoa cúng phật”.

Bạn đang đọc bài viết "Để hội phụ huynh không trở thành “hội phụ thu”?" tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com