#kỷ nguyên mới

Đề xuất bổ sung thêm một ga hành khách tuyến đường sắt 67,3 tỉ USD giữa Nghệ An và Thanh Hóa

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đề xuất bổ sung thêm một ga hành khách của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam nằm giữa Nghệ An và Thanh Hóa nhằm đảo bảo khoảng cách, tạo động lực phát triển của liên kết vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ.
duong-sat-cao-toc-bac-nam-1730787734.jpg
 

Đề xuất trên vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Chung đưa ra tại phiên thẩm tra chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức chiều 4/11, theo Báo Nghệ An.

Được biết, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An có chiều dài qua tỉnh khoảng 85km từ Km210 - Km295; đi qua 5 huyện, thị: Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên.

Ga đường sắt đặt tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, phía Tây đường tránh Vinh, phía Đông đường bộ cao tốc Bắc - Nam, thuận lợi cho việc kết nối trung tâm hành chính tỉnh Nghệ An thông qua tuyến đường 72m Vinh - Cửa Lò.

Theo quy hoạch hiện nay, khoảng cách giữa 2 ga Thanh Hóa và ga Vinh hiện nay là khoảng 130km, gần gấp đôi khoảng cách bình quân của 1 ga trên toàn tuyến là 67km.

Tuy nhiên, để phát huy tối đa hiệu quả khai thác của dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề xuất phương án bổ sung thêm 1 ga hành khách giữa ga Vinh và ga Thanh Hóa trong chủ trương đầu tư giai đoạn này, có thể đặt ga tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hoá) hoặc thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), qua đó đảm bảo khoảng cách, tạo động lực phát triển của liên kết vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện nội dung Báo cáo thẩm tra trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tới.

Trước đó, Chính phủ có Tờ trình số 685/TTr-CP về việc chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam gửi Quốc hội.

Trình bày tóm tắt Tờ trình, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải nêu rõ, dự án có điểm đầu tại Thành phố Hà Nội (ga Ngọc Hồi), điểm cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm) với tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km.

Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827 ha. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.713.594 tỉ đồng (khoảng 67,34 tỉ USD).

Chính phủ đề xuất thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trong năm 2025-2026; khởi công cuối năm 2027 và phấn đấu cơ bản hoàn thành tuyến trong năm 2035.