Xin bà chia sẻ về những thành quả đạt được trong GDĐH sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Trong 10 năm qua, GDĐH đã có chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng, hiệu quả và mức độ tiếp cận của người dân. Mạng lưới cơ sở GDĐH từng bước được củng cố và hoàn thiện, trong giai đoạn 5 năm trở lại đây đã cơ bản ổn định về quy mô và cơ cấu.
Điều đầu tiên phải khẳng định là chính sách, pháp luật về tự chủ đại học đã tạo ra những đổi mới căn bản và toàn diện về phương thức quản lý Nhà nước, tổ chức và hoạt động của các cơ sở GDĐH, phát huy dân chủ cơ sở, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội. Các điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng GDĐH cũng được đầu tư phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, đội ngũ giảng viên được quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng; tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng nhanh. Các chương trình đào tạo được đổi mới, phát triển đa dạng theo khung trình độ quốc gia và hội nhập quốc tế. Cơ sở vật chất, công nghệ và dịch vụ hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu được tăng cường; công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định được chú trọng, số cơ sở GDĐH cũng như số chương trình đào tạo được kiểm định trong nước và quốc tế tăng nhanh.
Đáng chú ý, quy mô đào tạo tăng hợp lý trong 10 năm qua, đạt xấp xỉ 2,1 triệu sinh viên đại học (tăng từ 186 lên 210 sinh viên trên một vạn dân) và 120.000 học viên sau đại học, bảo đảm số lượng và cơ cấu trình độ nhân lực phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2021 - 2020.
Cùng với đó, cơ cấu ngành đào tạo dịch chuyển tích cực, thích ứng nhanh với nhu cầu của thị trường lao động; số sinh viên các ngành kỹ thuật và công nghệ tăng khá, nhiều ngành mới được mở đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học, công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chất lượng sinh viên tốt nghiệp từng bước được cải thiện và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động, tỉ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm duy trì ở mức cao, niềm tin của người học và xã hội vào chất lượng và hiệu quả đào tạo được củng cố.
Ngoài ra, tôi cũng muốn chia sẻ là hệ thống cơ sở GDĐH đã chú trọng phát triển năng lực nghiên cứu, khẳng định vai trò chủ chốt trong mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ quốc gia. Số công bố khoa học có trong danh mục Scopus tăng xấp xỉ 5 lần, trong đó các cơ sở GDĐH đóng góp khoảng 85%. Nhờ những thành tích nghiên cứu, ngày càng có nhiều cơ sở GDĐH Việt Nam lọt vào các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo bà, những tồn tại, hạn chế cũng nhưng thách thức chính đối với GDĐH thời gian qua là gì?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Đánh giá chung giai đoạn 2013 - 2022, hệ thống GDĐH Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc nhưng chưa đủ tầm bứt phá để thu hẹp khoảng cách so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Cụ thể, các chỉ số chính của hệ thống về quy mô đào tạo, năng lực đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ đều còn thấp, đặc biệt là nguồn lực đầu tư công và tư đều rất thấp so với khu vực và thế giới. Mạng lưới cơ sở GDĐH chậm được quy hoạch, sắp xếp; một số cơ sở GDĐH hoạt động kém hiệu quả; việc tiếp cận đại học ở một số vùng, địa phương còn khó khăn. Cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo và chất lượng đào tạo chưa theo kịp yêu cầu phát triển của nền kinh tế và nhu cầu của người học thế hệ mới; sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao trở thành điểm nghẽn lớn trong thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Vậy đâu sẽ là đòn bẩy, giải pháp để GDĐH tiếp tục thực hiện sứ mệnh đổi mới căn bản toàn diện trong giai đoạn tiếp theo, thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 29/NQ-TW, chúng tôi cho rằng rất cần thiết ban hành nghị quyết mới riêng cho GDĐH, trong đó nhấn mạnh các chủ trương, định hướng và nhiệm vụ giải pháp cho GDĐH.
Giải pháp đòn bẩy, trọng yếu nhất chính là việc đầu tư đủ nguồn lực và phân bổ nguồn lực hiệu quả. Trong đó, cần quan tâm hoàn thiện các thể chế, chính sách đồng bộ đối với GDĐH; quan tâm đầu tư đột phá các nguồn lực cho GDĐH. Đặc biệt là có lộ trình nâng tỉ trọng ngân sách Nhà nước chi cho GDĐH tính trên GDP đạt mức trung bình của các nước trong khu vực, để đầu tư công dẫn dắt đầu tư khối tư nhân và toàn xã hội.
Theo tôi, cần có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở GDĐH, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế; phát triển một số ngành đặc thù, một số cơ sở GDĐH có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.
Bên cạnh đó, tăng cường hoàn thiện cơ chế phân bổ, đầu tư cho các cơ sở GDĐH, nhất là cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo theo quy định của Nhà nước và phương thức phân bổ ngân sách dựa trên chuẩn kết quả đầu ra. Theo đó, bảo đảm tỉ trọng ngân sách Nhà nước chi cho nghiên cứu, phát triển tại các cơ sở GDĐH tương xứng với năng lực và kết quả hoạt động nghiên cứu, phát triển.