Thị trường lao dốc, nên cắt lỗ hay tiếp tục chờ đợi?

Trước nhiều luồng thông tin dự báo về thị trường sắp tới, nhiều nhà đầu tư băn khoăn không biết nên chấp nhận cắt lỗ hay tiếp tục chờ đợi để nương theo thị trường trong năm sau.

thi-truong-lao-doc-nen-cat-lo-hay-tiep-tuc-cho-doi-1666860573-1666967478.jpg

Nhiều nhà đầu tư hoang mang trước nhiều luồng thông tin dự báo, băn khoăn không biết nên cắt lỗ hay tiếp tục chờ đợi. Ảnh minh hoạ

Nguyễn Quỳnh Thu, một nhà đầu tư ở Hà Nội, cho biết chị đang “ăn không ngon, ngủ không yên” khi đã lỡ ôm nhiều lô đất tại một số tỉnh vùng ven như Nam Định, Hoà Bình, Hà Tĩnh trong đợt sốt đất vào đầu năm.

Chị Thu sử dụng đòn bẩy tài chính đến 60% giá trị mỗi lô đất vì xác định đầu tư ngắn hạn trong 3 tháng. Tuy nhiên, hơn 6 tháng trôi qua, nhiều lần rao bán nhưng các lô đất của chị vẫn “bất động”.

“Hai tháng qua, mỗi lần đến kỳ trả lãi ngân hàng là tôi lại thấy sốt ruột. Một phần vì xót tiền, một phần lo rằng đến khi bán được đất cũng không bù nổi lãi vay. Chấp nhận cắt lỗ mỗi lô hơn 100 triệu đồng cũng không có người hỏi mua. Tôi định sẽ cố xoay xở để trả bớt gốc, chuyển hướng đầu tư trung hoặc dài hạn. Thế nhưng trước nhiều luồng thông tin về thị trường năm sau, tôi chỉ sợ càng để lâu càng khó thoát”, chị Thu nói.

Về vấn đề này, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property), cho rằng trong bối cảnh lạm phát tăng, lãi ngân hàng tăng cao, tỷ lệ tăng giá của bất động sản so với tỷ lệ lãi suất ngân hàng là không ăn thua, chắc chắn thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.

“Các nhà đầu tư nên lượng sức mình, liệu cơm gắp mắm. Nếu chịu đựng được thì có thể theo, còn nếu không chịu được áp lực, nên xác định thoát hàng càng sớm càng tốt, còn hơn đến cuối cùng không còn gì cả”, ông Toản nói.

Cũng theo ông Toản, thời điểm lãi suất huy động tăng cao thì lãi suất cho vay sẽ cao. Điều này sẽ ảnh hưởng đến túi tiền của nhà đầu tư. Thời điểm này chưa nhìn thấy rõ hiện tượng cắt lỗ, nhưng sắp tới sẽ xuất hiện nhiều.

Trước lo ngại thị trường đang lặp lại câu chuyện khủng hoảng 10 năm trước, CEO EZ Propety cho rằng giai đoạn này không bị ảnh hưởng một cách bi động như những năm trước, mà là Chính phủ chủ động kiểm soát.

Song theo ông Toản, vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là trái phiếu, các khoản vay của các doanh nghiệp. Đó là vấn đề tiềm ẩn rủi ro nhất.

“Trong trường hợp không có gì thay đổi thì chắc chắn đợt khủng hoảng này sẽ ngắn hơn trước và có sự kiểm soát hơn”, ông Toản dự đoán.

Theo ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty King Broker Group, việc đầu tư lướt sóng rất khó vào thời điểm này, do vậy chỉ nên đầu tư vào trung hạn và dài hạn.

Việc khó khăn về vốn chỉ ảnh hưởng đến những người có vốn nhỏ. Với những người trường vốn, đây là thời điểm của họ. Bởi khi thị trường xuống, giá bất động sản sẽ hạ.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng sau nhiều động thái kiểm soát tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, thị trường bất động sản đã chịu những tác động không nhỏ khi những nhà đầu tư đa phần đều sử dụng đòn bẩy tài chính.

Với những nhà đầu tư có vốn thực hoặc sử dụng đòn bẩy thấp, họ sẽ vẫn ôm hàng. Còn những người sử dụng đòn bẩy tỷ lệ cao, ngắn hạn hoặc không xoay xở được để trả lãi sẽ buộc phải thoát hàng, cắt lỗ.

“Đây sẽ là lúc thị trường bước vào cuộc thanh lọc khi nhiều nhà đầu tư không thể gồng lỗ buộc phải thoát hàng”, ông Thanh dự báo.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng trong bối cảnh hiện nay, lạm phát còn cao nên sẽ hơi sớm để những ai có dòng tiền thực đợi cơ hội bắt đáy. Nhà đầu tư vẫn nên chờ thêm thời gian để nắm bắt đúng tình hình, đồng thời cẩn trọng trước những quảng cáo rao bán cắt lỗ.