Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục tổ chức phiên xử phúc thẩm đối với vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "rửa tiền" xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) liên quan đến Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm.
Vợ Nguyễn Thái Luyện vắng mặt
Tại phiên tòa lần này, 15 bị cáo có đơn kháng cáo được triệu tập. Riêng bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên toà với lý do suy nhược cơ thể phải nằm viện để điều trị.
Trước đó, tại phiên xét xử 3 ngày (5/5), bị cáo Võ Thị Thanh Mai có đơn xin hoãn phiên xét xử với lý do đang nhập viện điều trị suy dinh dưỡng thai nhi vì bị động thai. Đơn xin hoãn phiên toà có kèm giấy xác nhận của Bệnh viện An Sinh. Nội dung sẽ được xác minh trong phiên xử 8/5.
Ghi nhận của báo Người lao động, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM nhận định sự vắng mặt của bị cáo Mai không ảnh hưởng tới phiên xét xử. 2/3 luật sư bào chữa cho bị cáo này có mặt tại toà.
Phía Toà án nhận định do hồ sơ vụ án đã có đầy đủ lời khai của bị cáo này về vụ án do đó, có thể tiếp tục phiên xử mà không có mặt bị cáo Mai. Mặt khác, do phiên xử kéo dài nên toà án sẽ tiếp tục triệu tập bà Mai vào những ngày tiếp theo, nếu đảm bảo sức khoẻ.
Xét xử đơn kháng cáo sau phiên sơ thẩm
Theo Dân Việt, vụ án được xét xử phúc thẩm do có đơn kháng cáo của các bị cáo, khoảng 100 bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Phiên phúc thẩm được mở lại vào ngày 27/3 nhưng bị hoãn do nhiều bị cáo không có luật sư bảo vệ sẽ dẫn đến bất lợi.
Cáo trạng của vụ án chỉ rõ, Nguyễn Thái Luyện thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty CP địa ốc Alibaba, giao những người thân tín đứng tên. Các công ty này mua một số lượng lớn đất nông nghiệp ở các tỉnh, thành như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận rồi tự vẽ ra 58 dự án "ma" và quảng bá là dự án khu dân cư để bán cho khách hàng.
Để thu hút khách hàng, Luyện cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Khi đến hạn, hầu hết khách hàng đều không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như cam kết, trong khi đó, Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.
Kết thúc phiên tòa sơ thẩm hồi 12/2022, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo là đồng phạm của Luyện bị phạt mức án từ 10-19 năm tù về cùng tội danh trên.
Riêng bị cáo Võ Thị Thanh Mai bị phạt mức án 30 năm tù, bị cáo Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) nhận mức án 27 năm tù về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền. Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng bị phạt mức án 3 năm tù về tội Rửa tiền nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm.
Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc vợ chồng Luyện liên đới bồi thường toàn bộ số tiền hơn 2.400 tỷ đồng cho bị hại.
Đây là vụ án lừa đảo "khủng" tại Việt Nam và cũng là có số lượng hồ sơ rất lớn, lên đến khoảng 1 triệu bút lục; cáo trạng vụ án và phụ lục được diễn giải 500 trang. Đồng thời, có gần 5.000 người tham gia tố tụng, trong đó có 3.980 bị hại và 100 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. |