Tăng tốc khai thác cát sông
Trong bối cảnh nhu cầu vật liệu thi công cho các tuyến cao tốc ngày càng cấp thiết, tỉnh Sóc Trăng đang dốc toàn lực để đẩy nhanh tiến độ khai thác cát sông, đồng thời chủ động nghiên cứu phương án sử dụng cát biển.
Hiện khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều tuyến cao tốc đang triển khai thi công đồng loạt như cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh... Các dự án này đều cần lượng lớn vật liệu đắp nền, trong đó cát đóng vai trò quan trọng.
Đến năm 2026, khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng 600km đường cao tốc
Riêng đoạn cao tốc qua địa bàn Sóc Trăng, theo tính toán, nhu cầu cát đắp nền cho toàn tuyến lên đến hàng triệu mét khối. Áp lực đảm bảo tiến độ thi công đặt ra yêu cầu Sóc Trăng phải nhanh chóng chủ động nguồn cung.
Mỏ cát MS01 trên sông Hậu, thuộc địa phận xã Phong Nẫm và An Lạc Tây (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) hiện đang được khai thác để cung cấp vật liệu cho gói thầu số 9 và số 10 thuộc dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Hiện tại, công suất khai thác tại mỏ MS01 đã được nâng lên 4.000 m3/ngày, gấp hơn 2 lần so với công suất ban đầu. Tính đến giữa tháng 4/2025, mỏ đã khai thác được 1,182 triệu m3 cát.
Ban Quản lý dự án 2 - chủ đầu tư dự án thành phần 4 cho biết, tính đến ngày 17/4, tổng khối lượng cát từ các mỏ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã được khai thác và cung ứng cho dự án đạt khoảng 1,2 triệu m3. Dự kiến đến tháng 6/2025 khối lượng đạt 3,3/6,6 triệu m3.
Để giảm áp lực lên các mỏ cát sông tại Sóc Trăng, Ban Quản lý dự án 2 cũng đã kiến nghị các đơn vị liên quan xem xét điều chuyển khối lượng cát sông từ các mỏ đặc thù tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp (đã giao cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông) sang dự án thành phần 4 sau khi các dự án kia hoàn thành công tác đắp cát.
Dùng cát biển đắp nền đường cao tốc
Theo Ban Quản lý dự án 2, để giải quyết bài toán thiếu hụt 3,3 triệu m3 còn lại, tỉnh Sóc Trăng đã tính đến phương án sử dụng cát biển từ tiểu khu B1.4 và B1.5.
Sóc Trăng tính phương án sử dụng cát biển cho cao tốc
Hiện UBND tỉnh Sóc Trăng đã cấp bản xác nhận cho mỏ cát biển B1.4 và nhà thầu đang đã nộp hồ sơ để Bộ Nông nghiệp và Môi trường giao khu vực biển.
Ban Quản lý dự án 2 cũng thông tin thêm, qua rà soát, khảo sát độ mặn dọc tuyến chỉ có khoảng 3,2km đoạn cuối tuyến (tổng khối lượng cát đắp khoảng 283.000 m3) qua ao tôm, có điều kiện thích hợp để sử dụng cát biển.
Do nhu cầu cấp bách, nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng số 1 đã sử dụng cát sông để đắp nền đoạn này với khối lượng khoảng 180.000 m3.
Với nhu cầu cát biển còn lại tại các vị trí phù hợp là khoảng 100.000 m3 (3,2km đoạn cuối tuyến giáp Quốc lộ Nam Sông Hậu), các đoạn khác có điều kiện tự nhiên không phù hợp do là vùng ngọt trồng lúa nước, cây ăn trái.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 203/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác và làm việc với các bộ, địa phương về tình hình đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông tại khu vực ĐBSCL.
Về vật liệu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các chủ đầu tư (trong đó có UBND tỉnh Sóc Trăng) chủ động rà soát và quyết định theo thẩm quyền đối với việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Môi trường để giảm áp lực nguồn cát sông.
Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc điều chuyển các mỏ vật liệu được cấp theo cơ chế đặc thù đang còn trữ lượng nhưng không còn nhu cầu khai thác và điều chuyển khối lượng cát sau khi dỡ tải từ dự án áp dụng cơ chế đặc thù sang dự án khác (đang áp dụng cơ chế đặc thù) để tiếp tục khai thác, sử dụng nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, UBND tỉnh Sóc Trăng chủ động khai thác, cung ứng cát biển cho dự án theo thẩm quyền, đồng thời chủ động làm việc với các địa phương có nguồn vật liệu san lấp (cát, đá) để cung ứng cho dự án, không để dự án chậm tiến độ như thời gian qua.