Phát hiện vi phạm về kinh tế gần 179 nghìn tỷ đồng

14/07/2023 18:21

Theo dõi trên

Sáng 14/7, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành Thanh tra. 6 tháng qua, toàn ngành thanh tra đã triển khai 4.224 cuộc thanh tra hành chính và 94.979 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì hội nghị.

Xem xét xử lý 784 tập thể, 2.912 cá nhân vi phạm

Trình bày Báo cáo Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho biết, 6 tháng qua, toàn ngành thanh tra đã triển khai 4.224 cuộc thanh tra hành chính và 94.979 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

quang-canh-hoi-nghi-pld-1689333554.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Qua đó, chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 178.863 tỷ đồng (tăng 615% so cùng kỳ năm 2022).

Trong đó, kiến nghị thu hồi 148.062 tỷ đồng (tăng 1.343%) và 9ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 30.800 tỷ đồng (tăng 108%), 395ha đất; ban hành hơn 60,3 nghìn quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân (tăng 5,5%) với số tiền 2.873 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 784 tập thể và 2.912 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 208 vụ (tăng 27,6%), 316 đối tượng.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, đã tiến hành 592 cuộc thanh tra, kết thúc và ban hành kết luận 312 cuộc. Qua đó, 1.166 đơn vị phát hiện vi phạm với số tiền 80 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 37 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 43 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 190 tổ chức, 119 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 2 vụ.

Các địa phương phát hiện nhiều vi phạm gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Tuyên Quang, Nghệ An, Hải Dương, Quảng Ngãi.

Trong lĩnh vực tài chính, ngân sách: Tiến hành 1.671 cuộc thanh tra, kết thúc và ban hành kết luận 967 cuộc. Qua đó, 2.952 đơn vị phát hiện vi phạm với số tiền hơn 619 tỷ đồng, 3,7ha đất; kiến nghị thu hồi 424 tỷ đồng, 3,7ha đất; kiến nghị xử lý khác 195 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 321 tổ chức, 1.439 các nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 31 vụ, 44 đối tượng.

Các địa phương phát hiện nhiều vi phạm gồm Hà Nội, Hải Phòng, Hậu Giang, Kiên Giang, Hải Dương, Quảng Nam, Hưng Yên, Nghệ An, Đắk Nông.

Trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai: Tiến hành 704 cuộc, kết thúc và ban hành kết luận 286 cuộc. Qua đó, 964 đơn vị phát hiện vi phạm với số tiền hơn 45 tỷ đồng, 306ha đất; kiến nghị thu hồi 37 tỷ đồng, 6ha đất, kiến nghị xử lý khác 8 tỷ đồng, 300ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 130 tổ chức, 383 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 18 vụ, 24 đối tượng.

Các địa phương phát hiện nhiều vi phạm gồm Quảng Nam, Bình Phước, Bắc Ninh, Hưng Yên, Tây Ninh, Lâm Đồng, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế.

Tập trung thanh tra các lĩnh vực có dư luận về tham nhũng

Thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị, những tháng cuối năm 2023, toàn ngành thanh tra cần đẩy nhanh tiến độ ban hành kết luận thanh tra; đồng thời tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra.

Tham mưu giúp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ trong đôn đốc, chỉ đạo giải quyết, khắc phục tồn tại theo các kết luận thanh tra đối với các dự án đầu tư, đất đai tại một số địa phương.

Hoàn thiện Đề án 153 “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố” theo chỉ đạo của Chính phủ.

Nhiều đại biểu đề nghị, toàn ngành cần tăng cường quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, triển khai hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng.

Đồng thời, ngành cần tiến hành thanh tra trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, ngành thanh tra cần tăng cường theo dõi, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước và từng bộ, ngành, địa phương; xây dựng bộ tiêu chí theo dõi, đánh giá toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng đối với các bộ, ngành, địa phương…

Bạn đang đọc bài viết "Phát hiện vi phạm về kinh tế gần 179 nghìn tỷ đồng" tại chuyên mục Chính sách - Sự kiện. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com