Thái Nguyên: Đấu giá QSDĐ để phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn

Triệu Hồ

31/10/2021 08:47

Theo dõi trên

Để huy động tối đa nguồn thu cho ngân sách, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội nguồn lực từ hoạt động đấu giá Quyền sử dụng đất có vai trò vô cùng quan trọng.

Đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) là phương thức giúp các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên huy động tối đa nguồn thu cho ngân sách, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả đấu giá QSDĐ thời gian qua cho thấy, mỗi năm có hàng nghìn tỷ đồng được bổ sung kịp thời vào nguồn ngân sách của tỉnh Thái Nguyên. Đây là nguồn lực quan trọng để Thái Nguyên cân đối đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tính đến hết tháng 9/2021, toàn tỉnh Thái Nguyên đã thu được 3.094 tỷ đồng từ tài nguyên đất, vượt 120% so với kế hoạch cả năm và dự báo đến hết quý IV/2021, cả tỉnh thu được khoảng 5.000 tỷ đồng. Đóng góp vào kết quả này phải kể đến vai trò của công tác đấu giá QSDĐ. Từ đấu giá QSDĐ đã tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách, tạo vốn để các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng như: Giao thông, trường học, nhà trẻ, bệnh viện, trạm xá, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống thuỷ lợi, hệ thống điện, công viên, vườn hoa cây xanh…

daugia28-10-2021

 Khu đấu giá QSDT tại khu dân cư số 8, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) đã thu vượt được hàng trăm tỷ đồng so với giá khởi điểm (Ảnh: baothainguyen.vn)

Để có được kết quả nêu trên tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nghiêm túc hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thông qua đấu giá QSDĐ. Thông qua việc tổ chức đấu giá QSDĐ, các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đã gắn với việc thực hiện quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn. Theo đó, nhiều khu đô thị mới, hiện đại, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương đã được quy hoạch, xây dựng và đưa vào sử dụng. Tiêu biểu phải kể đến các địa phương, như: T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên và các huyện: Phú Bình, Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ.

Với nguồn thu lớn từ đấu giá QSDĐ, các địa phương này đã đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, chỉnh trang diện mạo đô thị theo hướng hiện đại, văn minh. Đơn cử như T.P Thái Nguyên đã sử dụng tiền thu từ đấu giá QSDĐ để nâng cấp các công trình giao thông, phúc lợi xã hội; T.X Phổ Yên sử dụng nguồn kinh phí từ đấu giá QSDĐ để xây dựng các công trình, chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2023. 

Chính quyền các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên còn sử dụng một phần vốn từ đấu giá QSDĐ để hỗ trợ cho sản xuất, hỗ trợ sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, phát triển giao thông nông thôn và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, đấu giá QSDĐ của tỉnh trong những năm qua đã giúp thị trường bất động sản trên địa bàn trở nên sôi động, thu hút lượng lớn khách hàng ở các địa phương khác đầu tư vào Thái Nguyên. Qua các phiên đấu giá QSDĐ còn góp phần tạo lập sự ổn định, minh bạch, công bằng xã hội trong hoạt động giao đất, cho thuê đất của tỉnh, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và người sử dụng đất, chấm dứt cơ chế “xin - cho”, phòng ngừa tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai.

Thông qua các phiên đấu giá QSDĐ cũng góp phần hạn chế tình trạng “nhiều giá đất” trên cùng một địa bàn. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, giá đất do Nhà nước quy định, giá đất do các bên thoả thuận trong chuyển QSDĐ, giá đất hình thành từ đấu giá QSDĐ.

Thực tế, do nhiều lý do mà hiện nay giá đất do Nhà nước quy định thường thấp hơn so với giá trên thị trường chuyển nhượng và so với giá trị thực của đất. Do vậy, khi giao đất, cho thuê đất theo hình thức chỉ định đã tạo ra sự chênh lệch lớn giữa giá đất trên thị trường và giá đất do UBND tỉnh Thái Nguyên quy định. Từ đó đã tạo ra cơ chế “nhiều giá đất”. Người hưởng lợi nhiều nhất từ cơ chế này là một số tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo hình thức chỉ định. Thiệt hại lớn nhất là người sử dụng đất có đất bị thu hồi và Nhà nước.

Nhưng từ khi tỉnh tổ chức đấu giá QSDĐ đã hạn chế tối đa tình trạng trên; tạo cơ sở, căn cứ để UBND tỉnh điều chỉnh mức giá đất cho phù hợp với giá trị thực; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; điều tiết và đi đến xoá bỏ sự chênh lệch theo hướng bảo đảm lợi ích Nhà nước, lợi ích người có đất bị thu hồi và lợi ích của nhà đầu tư.

Hiện nay, Quốc hội đang xem xét việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và chắc chắn vấn đề đấu giá QSDĐ sẽ tiếp tục được các nhà làm luật bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý để tài nguyên đất là nguồn lực quan trọng của đất nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên khi tham gia đấu giá QSDĐ.

Bạn đang đọc bài viết "Thái Nguyên: Đấu giá QSDĐ để phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn" tại chuyên mục Kinh tế. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com