Thủ tướng Thái Lan thăm Việt Nam: Xung lực mới cho hợp tác toàn diện

Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Paetongtarn Shinawatra dần đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Hoàng gia Thái Lan thăm chính thức Việt Nam từ ngày 15/5 đến 16/5/ 2025.

Đây là chuyến thăm tới Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Paetongtan kể từ khi nhậm chức tháng 8/2024 và là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Thái Lan đến Việt Nam sau hơn 10 năm. Đồng thời, đây cũng là Kỳ họp Nội các chung đầu tiên của Thủ tướng hai nước sau hơn 9 năm.

gapgo21-1747291490.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 tại Vientiane (Lào), tháng 10/2024. Ảnh: Nhật Bắc.

Kể từ khi bà Paetongtarn Shinawatra trở thành người đứng đầu Chính phủ Thái Lan (tháng 8/2024), Thủ tướng hai nước đã có những cuộc tiếp xúc, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm và chúc mừng tân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra vào ngày 29/8/2024.

Hai Thủ tướng cũng đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 10/2024 tại Lào. Tại cuộc gặp này, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đã nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Thái Lan tại khu vực Đông Nam Á, khẳng định mong muốn sớm phát triển quan hệ với Việt Nam lên tầm cao mới.

Theo số liệu từ Cục Hải quan, năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 20,18 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2023. Trong quý 1/2025, con số này tiếp tục tăng lên 5,16 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những thách thức như mức nhập siêu từ Thái Lan tăng mạnh, lên tới 1,03 tỷ USD trong ba tháng đầu năm 2025, tăng 123% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh kinh tế, quốc phòng và an ninh cũng là những trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác Việt Nam – Thái Lan. Hai nước đã thiết lập các cơ chế hợp tác như Đối thoại chính sách quốc phòng và Đối thoại cấp cao về phòng, chống tội phạm. Đặc biệt, trong bối cảnh an ninh khu vực Đông Nam Á tiềm ẩn nhiều nguy cơ, sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên trong việc trao đổi thông tin và đấu tranh chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia là vô cùng cần thiết.

Không chỉ hợp tác về kinh tế và an ninh, Việt Nam và Thái Lan còn thúc đẩy giao lưu văn hóa, giáo dục và du lịch. Với tiềm năng du lịch dồi dào, hai nước đang xem xét triển khai các sáng kiến kết nối du lịch trong khu vực ASEAN, nổi bật là sáng kiến ‘Sáu quốc gia – một điểm đến’ của Thái Lan. Điều này không chỉ giúp thu hút khách quốc tế mà còn thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai nước.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ trước thềm chuyến thăm, Đại sứ Urawadee Sriphiromya cho biết, Việt Nam và Thái Lan có quan hệ gắn bó gần gũi và nồng ấm trên mọi bình diện. Chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra diễn ra vào thời điểm hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao – dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ ngoại giao Việt Nam, Thái Lan.

Nhân chuyến thăm lần này, hai nước kỳ vọng sẽ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc tăng cường phối hợp, cùng nhau hoạch định các chiến lược phát triển dài hạn, vì sự thịnh vượng bền vững của mỗi quốc gia và hạnh phúc của nhân dân hai nước. Đây chính là ý nghĩa sâu sắc và quan trọng nhất của chuyến thăm lần này.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh khu vực, trong đó có Thái Lan và Việt Nam, đang phải đối mặt với những bất ổn của tình hình quốc tế cùng những biến động về địa chính trị và địa kinh tế. Trong hoàn cảnh đó, đây là dịp để lãnh đạo hai nước cùng nhau trao đổi, tìm kiếm giải pháp nhằm tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua thách thức, đồng thời củng cố vững chắc nền tảng kinh tế và thúc đẩy quan hệ khu vực, với vai trò là những thành viên tích cực của ASEAN.

Đại sứ Urawadee Sriphiromya cho biết, các nội dung trao đổi trong chuyến thăm lần này sẽ khá toàn diện.

Cụ thể, về hợp tác chính trị, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận các biện pháp tăng cường phối hợp để ứng phó với những thách thức mới như ma túy và an ninh mạng, đặc biệt là phòng, chống và xử lý các mối đe dọa từ không gian mạng.

Trên lĩnh vực kinh tế, lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi các biện pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương mại song phương. Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ trong khu vực và trên thế giới, năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan đạt 20,18 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm trước.

Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và là đối tác lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Hai nước đang nỗ lực không ngừng để sớm đạt được mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 25 tỷ USD trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng. Việt Nam và Thái Lan còn nhiều tiềm năng hợp tác về vận tải, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa từ Thái Lan qua Việt Nam để xuất khẩu sang Trung Quốc.