Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp

13/10/2021 17:28

Theo dõi trên

Ông Nguyễn Mạnh Đại Lân - Trưởng phòng khoáng sản Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Trong thời gian chờ đợi ý kiến hướng dẫn một số vướng mắc của Bộ TN&MT về quản lý khoáng sản đất làm vật liệu san lấp (VLSL), Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý giám sát hoạt động khai thác mỏ đất làm VLSL của chủ mỏ theo quy định. Trên cơ sở đó, đề xuất UBND tỉnh có quyết định xử phạt hành chính, tạm đình chỉ hoạt động tại mỏ nhiều doanh nghiệp (DN) vi phạm.

Liên tiếp xử phạt

Cuối tháng 9/2021, do không xây lắp công trình bảo vệ môi trường (BVMT) theo quy định tại dự án (DA) khai thác đất làm VLSL, Công ty TNHH Xây dựng vận tải Minh Nhật (trụ sở Cụm công nghiệp Thủy Phương, Hương Thủy) do ông Trần Đình Hiệp làm giám đốc, bị UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính 240 triệu đồng.

Ngoài phạt hành chính, công ty còn bị phạt bổ sung đình chỉ hoạt động của cơ sở 3 tháng để khắc phục vi phạm; buộc công ty phải xây lắp, vận hành công trình BVMT và lập hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện các công trình BVMT trình cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT theo quy định trong thời hạn 3 tháng.

Thua thien hue

 Công trường mỏ đất làm vật liệu san lấp của Công ty TNHH Xây dựng vận tải Minh Nhật

Ngày 24/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Hoàng Ngọc (trụ sở 133 Bùi Thị Xuân, TP. Huế) và Công ty TNHH Xây dựng Đồng Tâm (Cụm công nghiệp Thủy Phương, Hương Thủy) do vi phạm trong khai thác khoáng sản. Công ty TNHH Hoàng Ngọc đã có hành vi khai thác khoáng sản làm VLSL khi không có giấy phép khai thác khoáng sản với tổng khối lượng 25.516 m3 tại khu vực Trốc Voi (Thủy Phương, Hương Thủy).

Công ty này bị xử phạt 90 triệu đồng và tịch thu toàn bộ khoáng sản thu lợi bất hợp pháp được quy đổi bằng tiền trên 655 triệu đồng và phải chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định và đo đạc trong trường hợp có hành vi vi phạm với số tiền 51,6 triệu đồng, đồng thời phải cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác.

Đối với Công ty TNHH Xây dựng Đồng Tâm, đơn vị này đã khai thác đất làm VLSL có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép gần 0,5 ha tại mỏ đất khu vực đồi Khe Quan (Thủy Phương), bị xử phạt 120 triệu đồng. UBND tỉnh buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 266,4 triệu đồng; chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc trong trường hợp có hành vi vi phạm với số tiền trên 51 triệu đồng; cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được cấp phép.

Nhiều sai phạm còn tồn tại

Theo Sở TN&MT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 19 giấy phép khai thác khoáng sản đất làm VLSL đang hoạt động với tổng diện tích gần 142 ha; trữ lượng khai thác hơn 10 triệu m3; công suất khai thác hơn 2,37 triệu m3/năm. Ngoài ra, còn có 8 vị trí mỏ đá làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường được cấp phép khai thác khoáng sản đi kèm là đất tầng phủ với tổng công suất đất san lấp hàng năm khoảng hơn 500.000m3.

Theo quy định tại Điều 42, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ, việc xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế thực hiện trên cơ sở các thông tin, số liệu của sổ sách, chứng từ, tài liệu quy định; tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan.

Ông Nguyễn Mạnh Đại Lân, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT lý giải, thực tế việc triển khai lắp đặt trạm cân, camera đã được đa số các nhà đầu tư tiến hành lắp đặt đối với các mỏ do Bộ TN&MT cấp phép. Đối với các mỏ thuộc thẩm quyền UBND tỉnh, các mỏ đá làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc lắp đặt trạm cân, camera; riêng đa số các mỏ đất làm VLSL phần lớn các chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ việc lắp đặt.

Sở TN&MT có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư được cấp phép khai thác đất làm VLSL thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc lắp đặt trạm cân, camera theo quy định. Các DN không thực hiện sẽ bị xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó khăn khi các DN tổ chức triển khai thực hiện.

Đơn vị cũng đề xuất Bộ TN&MT xem xét quy định pháp luật về lắp đặt camera, trạm cân đối với mỏ đất làm VLSL do thời gian tuổi thọ mỏ không dài, vị trí mỏ nằm xa khu dân cư, giao thông khó khăn...

“Trong thời gian chờ đợi ý kiến hướng dẫn một số vướng mắc của Bộ TN&MT về quản lý khoáng sản đất làm VLSL, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý giám sát hoạt động khai thác mỏ đất làm VLSL của chủ mỏ theo quy định”, ông Lân khẳng định.

Bạn đang đọc bài viết "Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp" tại chuyên mục Môi trường. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com