
Đáng chú ý, nhóm tổ chức phát hành (TCPH) phi tài chính – đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản và thương mại dịch vụ – đã trở lại thị trường sau nhiều tháng trầm lắng, với tổng giá trị phát hành đạt 13.200 tỷ đồng. Trong khi đó, các ngân hàng và công ty chứng khoán tiếp tục phát hành trái phiếu có kỳ hạn từ 1–3 năm để bổ sung vốn cấp 2 và phục vụ cho vay giao dịch ký quỹ.
Tính đến hết tháng 4, tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành (bao gồm phát hành riêng lẻ và ra công chúng) đạt khoảng 1,277 triệu tỷ đồng, tăng 5,6% so với cuối năm 2024.
Hoạt động mua lại TPDN cũng diễn biến sôi động, đạt 11.000 tỷ đồng trong tháng 4 – tăng 14,6% so với tháng trước, dù vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng này, các tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng mua lại lớn nhất (54,3%), trong khi các doanh nghiệp ngành thương mại – dịch vụ và lĩnh vực khác tiếp tục chủ động tất toán trước hạn để thu hẹp dư nợ, đặc biệt với những lô trái phiếu đang được xử lý giãn/hoãn.
Finn Rating cho biết, chỉ có khoảng 2.420 tỷ đồng TPDN phát sinh vấn đề trong tháng 4, giảm mạnh 63% so với tháng trước. Tuy nhiên, danh sách doanh nghiệp bị giãn hoặc hoãn thanh toán tiếp tục được mở rộng, chủ yếu thuộc các nhóm ngành bất động sản và xây dựng – trong đó một số doanh nghiệp có liên kết với những TCPH từng chậm thanh toán trong các kỳ trước.
Trên thị trường thứ cấp, thanh khoản có xu hướng giảm nhẹ. Tổng giá trị giao dịch TPDN (gồm cả trái phiếu phát hành ra công chúng và riêng lẻ) đạt gần 105.000 tỷ đồng, giảm hơn 17% so với tháng 3. Giá trị giao dịch bình quân ngày đạt 5.250 tỷ đồng, thấp hơn tháng trước nhưng vẫn cao hơn mức bình quân 4 tháng đầu năm (4.790 tỷ đồng/ngày).
Hoạt động giao dịch tiếp tục tập trung vào nhóm Ngân hàng (40,9%) và Bất động sản (36,7%). Trái phiếu ngân hàng ghi nhận giá trị giao dịch hơn 42.900 tỷ đồng, giảm 42% so với tháng trước. Ngược lại, trái phiếu bất động sản tăng mạnh 26%, đạt 38.600 tỷ đồng – cho thấy tín hiệu nhà đầu tư bắt đầu quay lại với các mã TPDN thuộc lĩnh vực này, bất chấp rủi ro còn hiện hữu.