Vĩnh Phúc: Nhà thầu thi công chịu trách nhiệm chính về sự cố sập kè sông Phó Đáy

08/01/2024 12:24

Theo dõi trên

Liên quan đến sự cố sập kè sông Phó Đáy xảy ra cuối tháng 6/2023, tại xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản nêu rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan và xác định trách nhiệm chính thuộc về đơn vị thi công.

sap-ke-pho-day-pld-1705202539.jpg
Bờ kè bị sập đổ hoàn toàn.

Trong đợt mưa lớn từ ngày 25-27/6/2023, hạng mục công trình kè xây dựng mới khu vực đền Mẫu tại xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch bị sụt lún, hư hỏng nghiêm trọng. Phần tường chắn bằng bê-tông cốt thép bị xô đổ hoàn toàn, khu vực sân phía ngoài đền bị sụt lún; hệ thống lan can, sàn bê-tông gãy vỡ nghiêm trọng.

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan khẩn trương tìm nguyên nhân, có giải pháp khắc phục sự cố. Theo Thông báo số 264/TB-UBND ngày 1/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, nguyên nhân chính gây ra sự cố là do tác dụng gây rung động trong khu vực của dòng chảy khi bị cản trở bởi công trình nằm ngang sông tại bến phà Phúc Hậu cũ; sự biến đổi về cấu trúc địa chất và các đặc trưng cơ học của khu vực.

Nguyên nhân phụ được xác định do địa hình của lưu vực sông Phó Đáy rất dốc so với các lưu vực sông lân cận, kết hợp với địa hình đáy sông Lô tại khu vực cửa ra sông Phó Đáy thấp nên lũ trên sông Phó Đáy mặc dù lên nhanh nhưng cũng rút nhanh gây xói lở mất an toàn bờ sông…

Nguyên nhân chủ quan là do tư vấn thiết kế chưa lường hết được các yếu tố bất lợi tại khu vực công trình như biến động địa chất, địa hình, ảnh hưởng chế độ dòng chảy do các công trình lân cận; giải pháp thiết kế thiên về yêu cầu kinh tế, dự trữ an toàn về kỹ thuật ở mức vừa đủ theo yêu cầu của TCVN 8419:2022.

Đơn vị thi công chưa bảo đảm được độ đồng nhất của kết cấu, có sự chênh lệch về cường độ bê-tông tại các vị trí lấy mẫu, mặc dù các vị trí lấy mẫu đáp ứng được cường độ bê-tông theo yêu cầu thiết kế và theo TCVN 239:2006.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khẳng định nguyên nhân để xảy ra sự cố là nguyên nhân tổng hợp, trong đó, đa số là yếu tố khách quan và một phần yếu tố chủ quan. Tại thời điểm xảy ra sự cố, công trình chưa được bàn giao đưa vào sử dụng.

Trách nhiệm khắc phục sự cố công trình thuộc về nhà thầu thi công: Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Phú Thành An và Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và đầu tư xây dựng Long Khánh; đơn vị bảo hiểm công trình là Tổng công ty cổ phần bảo hiểm hàng không.

sap-ke-pho-day-1-pld-1705202539.jpg
Khu vực đền Mẫu ven sông đang bị sạt trượt.

Trách nhiệm liên đới trong việc chỉ đạo khắc phục gồm Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc; nhà thầu khảo sát xây dựng và thiết kế và đơn vị tư vấn giám sát.

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các bên có liên quan phải khắc phục sự cố công trình, chịu trách nhiệm về các thiệt hại do sự cố công trình gây ra; chịu trách nhiệm về các chi phí liên quan đến giải pháp khắc phục và khắc phục tạm thời trong quá trình khắc phục sự cố công trình; tháo dỡ công trình, hạng mục công trình mất an toàn. Đơn vị thi công tập trung nhân vật lực để tổ chức triển khai thi công sau khi phương án xử lý được chủ đầu tư chấp thuận.

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Nhà thầu thi công chịu trách nhiệm chính về sự cố sập kè sông Phó Đáy" tại chuyên mục Dự án. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com