Xin ý kiến về ngạch Thẩm phán; tiền lương, phụ cấp của Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Toà án

27/03/2024 22:01

Theo dõi trên

Thường trực Ủy ban Tư pháp xin ý kiến của các Đại biểu tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách về 10 vấn đề lớn, trong đó có ngạch Thẩm phán; tiền lương, phụ cấp của Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Toà án.

pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-khac-dinh-dieu-hanh-noi-dung-pld-1711551594.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung.

Sáng 26/3, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đây là dự án Luật lớn, có nhiều chính sách, quy định mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, liên quan đến tổ chức và hoạt động của một số cơ quan (như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan Thi hành án dân sự) và liên quan tới nhiều luật khác (như luật tổ chức của một số cơ quan và các luật tố tụng).

Dự án Luật cũng đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, nhất là về cải cách tư pháp và Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết 27); khắc phục những vướng mắc, bất cập của thực tiễn. Hiện nay, Thường trực Ủy ban Tư pháp xin ý kiến của các Đại biểu tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách về 10 vấn đề lớn.

Quy định 02 ngạch Thẩm phán

Trong đó,  về ngạch Thẩm phán: Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành với đề xuất của TANDTC, quy định 02 ngạch Thẩm phán gồm Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán. Quy định này cơ bản phù hợp với đặc thù công tác xét xử; khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập hiện nay; nâng cao niềm tin của người dân đối với Thẩm phán; khuyến khích Thẩm phán phấn đấu, yên tâm công tác.

Về bậc Thẩm phán: Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành đề xuất giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định bậc Thẩm phán, tiêu chuẩn, điều kiện từng bậc. Tuy nhiên, không nên quy định “xét nâng bậc Thẩm phán…” trong dự thảo Luật. Việc thi nâng bậc hoặc xét nâng bậc Thẩm phán sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định sau khi Luật này được Quốc hội thông qua.

Đồng thời, việc không quy định ngạch Thẩm tra viên Tòa án, ngạch Thư ký Tòa án là chưa thống nhất với Luật Cán bộ, công chức và các luật tổ chức của các cơ quan tư pháp khác. Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương yêu cầu: “xây dựng 1 bảng lương chuyên môn nghiệp vụ theo ngạch công chức… không giữ chức danh lãnh đạo”. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ quy định của Luật hiện hành về 03 ngạch Thẩm tra viên Tòa án và 03 ngạch Thư ký Tòa án.

cac-dai-bieu-du-hoi-nghi-pld-1711551594.jpg
Các đại biểu dự Hội nghị.

Về quy định tiền lương, phụ cấp của Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Toà án (Điều 142), Luật hiện hành và dự thảo Luật đều quy định Nhà nước có chính sách ưu tiên về tiền lương, phụ cấp đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án. 

Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành dự thảo Luật. Việc ưu tiên về lương, phụ cấp đối với các chức danh tư pháp của Tòa án sẽ được xem xét trong quá trình thực hiện cải cách tiền lương, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương.

Việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án (Điều 15), Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, Nghị quyết 27 yêu cầu: “Nghiên cứu, làm rõ... những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử”.

Luật hiện hành không quy định phạm vi thu thập chứng cứ của Tòa án. Luật tố tụng quy định các hoạt động/biện pháp thu thập chứng cứ, trong đó luật tố tụng dân sự, hành chính có quy định: nếu đương sự không thu thập được thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ. Từ đó nhiều đương sự không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, dẫn tới nhiều Tòa án quá tải công việc. Vì vậy, cần rà soát để quy định lại cho chặt chẽ việc Tòa án thu thập chứng cứ ngay trong dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy nếu Tòa án không thu thập chứng cứ trong một số trường hợp thì có thể gặp khó khăn hoặc không giải quyết được vụ án, vụ việc. Mặt khác, việc quy định Tòa án thu thập chứng cứ cần xem xét điều kiện thực tiễn của nước ta về trình độ dân trí, ý thức pháp luật, hoàn cảnh kinh tế của một bộ phận nhân dân…

Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “yêu cầu chỉnh lý Điều 15 …, trong đó có quy định Tòa án hỗ trợ thu thập chứng cứ và trực tiếp thu thập chứng cứ”, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị: bên cạnh việc quy định Tòa án yêu cầu, hướng dẫn, hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ; kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ; cần quy định Tòa án trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ để thể chế hóa Nghị quyết 27 và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta.

Đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện
Về đổi mới Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1 Điều 4), Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, việc đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án này không thay đổi. Các Tòa án vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh. TAND phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm một số vụ án. Quy định như dự thảo Luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 27; không thống nhất với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương. Mặt khác, phải sửa đổi nhiều đạo luật có liên quan, phát sinh chi phí tuân thủ... 

Vì vậy, tiếp thu Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện”, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ nguyên quy định của Luật hiện hành về TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện.

Về nội dung này, TANDTC đề nghị quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội (TAND sơ thẩm, TAND phúc thẩm). 

Về nhiệm kỳ Thẩm phán (Điều 100), Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành dự thảo Luật quy định: Thẩm phán TANDTC làm việc đến khi nghỉ hưu; Thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 05 năm, Thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu. Quy định này bảo đảm thể chế hóa Nghị quyết 27 về “Đổi mới… thời hạn bổ nhiệm,… nhất là đối với đội ngũ Thẩm phán”; đồng thời phù hợp với chức danh Thẩm phán là chức danh tư pháp đặc thù do Chủ tịch nước bổ nhiệm, tạo điều kiện để Thẩm phán thực sự yên tâm công tác, góp phần bảo đảm nguyên tắc khi xét xử Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Bạn đang đọc bài viết "Xin ý kiến về ngạch Thẩm phán; tiền lương, phụ cấp của Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Toà án" tại chuyên mục Chính sách - Sự kiện. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com