Xóa bỏ chồng chéo mâu thuẫn trong pháp luật để kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

17/02/2024 09:31

Theo dõi trên

Trong 12 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 theo NQ 01/NQ-CP, thì có một nội dung đáng chú ý đó là: “tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật; chú trọng xử lý, rà soát văn bản quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập”. Có thể nói đây là một nhiệm vụ rất quan trọng để khắc phục những bất cập yếu kém và nguy cơ suy giảm sản xuất – kinh doanh, phấn đầu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024 mà Quốc hội đã giao, bởi việc rà soát chất lượng thể chế, chính sách nói chung, pháp luật nói riêng có vai trò hết sức quan trọng.

Các nhà nghiên cứu kinh tế và chính sách trên thế giới cũng như tại Việt Nam từ lâu đã rút ra bài học kinh nghiệm rằng, mặc dù có nhiều lý do (bên trong và bên ngoài) khác nhau dẫn đến sự suy giảm tăng trưởng ở các nền kinh tế trong những năm qua. Nhưng lý do chính của mọi sự yếu kém, trì trệ về kinh tế chính là những yếu kém của thể chế và pháp luật, nhiều nghiên cứu định lượng cũng đã chỉ ra rằng, duy trì cải cách nhằm đảm bảo chất lượng thể chế và hệ thống pháp luật tốt hơn bất cứ yếu tố nào khác, tác động tích cực nhất đến tăng trưởng và thịnh vượng trên thế giới.

Thời gian qua, nhằm rà soát, đánh giá sự mâu thuẫn, chồng chéo của các quy định trong pháp luật nói chung, việc tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, đảm bảo quyền tài sản, tự chủ, tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Đó là sự ra đời và thực thi của Nghị quyết 19/ CP  từ năm 2014, và sau đó được thay thế bằng NQ-02 được ban hành hàng năm bởi Chính phủ. Sự ra đời của các Nghị quyết này, được đánh giá là đã “thổi luồng gió mới” vào công cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam. Việc nâng cao chất lượng chính sách, thể chế và pháp luật, nhất là trong việc rà soát nâng cao công tác thực thi pháp luật, giảm thiểu các điều kiện kinh doanh bó buộc, các thủ tục hành chính phiền hà, gây lãng phí thời gian và chi phí của doanh nghiệp đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh quốc gia.  Năm 2023, đã không còn một Nghị quyết riêng được Chính phủ ban hành liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, mà nội dung này lại được tích hợp trong NQ 01/NQ-CP ban hành đầu năm.

Mặc dù từ đầu năm 2023 đến nay, Chính phủ và các bộ ngành cũng đã cố gắng trong việc giải quyết các bất cập về môi trường đầu tư – kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tuy nhiên những bất cập và yếu kém về môi trường thể chế, pháp luật vẫn là một rào cản rất lớn cho sự hoạt động bình thường của doanh nghiệp cũng như của người dân, từ đó tạo những phí tổn hữu hình và vô hình,  đồng thời làm giảm hiệu quả và hiệu lực thực thi chính sách, thậm chí là yếu tố khiến các cơ quan, cán bộ công chức nhà nước sợ và né tránh trách nhiệm, không dám nghĩ, dám làm, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xã hội nói chung, kinh tế nói riêng, bào mòn mọi nỗ lực phục hồi tăng trưởng của nhà nước cũng như doanh nghiệp.

Vậy “căn nguyên tối hậu” của sự bất cập, yếu kém của hệ thống thể chế, pháp luật là gì? Vì sao cải cách thể chế, chính sách lại phải đối mặt với các “trần” và “rào cản” lớn đến như vậy? Theo quan điểm của  tôi, một phần, là do chúng ta vẫn quá nặng nề vai trò điều tiết và quản lý chi tiết, cụ thể của nhà nước đối với xã hội và đặc biệt là với nền kinh tế và thị trường. Hệ luỵ của nó là thể chế và pháp luật càng nặng nề, cồng kềnh, chồng chéo, mâu thuẫn, vừa gây sự bó buộc cho chủ thể thực thi lẫn áp dụng, thiếu đi khả năng vận dụng sáng tạo, tuỳ nghi trong hoàn cảnh cụ thể khác nhau, vừa tạo chi phí tuân thủ và triển khai pháp luật rất lớn. Chính chi phí tuân thủ pháp luật cao nhiều khi lại là lý do chính khiến một số chính sách phục hồi tăng trưởng không thể đi vào cuộc sống, ví dụ như chính sách hỗ trợ vay ưu đãi trong gói phục hồi tăng trưởng năm 2022-2023, hay việc chồng chéo trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu…

Để khắc phục tình trạng này, cần có những tư duy và giải pháp mang tính đột phá, mà một trong số đó là tư duy có tăng thì cũng phải có giảm, có bổ sung thì cũng phải rà soát loại bỏ, thậm chí mạnh dạn cắt bỏ vai trò quản lý thừa, không cần thiết, từ đó rà soát bãi bỏ hẳn các quy định pháp luật không còn phù hợp với mục tiêu quản lý đã thay đổi, không còn phù hợp cơ chế tự do kinh doanh, tự do thị trường. Cần quay trở lại nguyên tắc nhà nước chỉ nên điều tiết quản lý và ban hành văn bản pháp luật ở những việc gì thật sự cần sự cần can thiệp và sự quản lý của nhà nước, tránh bao biện, ôm đồm, làm thay thị trường và xã hội. Đặc biệt tránh việc lợi dụng, ngụy biện vai trò can thiệp của nhà nước để trục lợi thể chế và chính sách bởi chính các nhóm lợi ích thân hữu, sân sau của cán bộ làm công tác quản lý nhà nước.

Thứ hai, tháo bỏ tình trạng tù mù không rõ ràng, rành mạch hiện nay về quyền lực và trách nhiệm cũng như lợi ích của các chủ thể trong quá trình thực thi thể chế/chính sách. Giải pháp là đẩy mạnh trao quyền đi kèm phân định rõ lại trách nhiệm gắn với quyền lực và lợi ích của từng cơ quan công quyền cũng như vị trí công chức. Chỉ khi quyền lực đi kèm trách nhiệm và lợi ích rõ ràng, công khai, minh bạch, từng cơ quan/chủ thể thực thi sẽ có/biết rõ dư địa thẩm quyền và cho phép hành động tùy nghi cụ thể trong giới hạn quyền lực mà pháp luật quy định.

Thứ ba, áp dụng thể chế, chính sách, pháp luật cần đảm bảo nguyên tắc tính thống nhất của thể chế, pháp luật. Tinh thần phổ quát của Hiến pháp và các bộ luật/đạo luật gốc do Quốc hội ban hành phải có vị trí tối thượng, thay vì áp dụng luật quá cứng nhắc, tiểu tiết, bó cứng vào từng câu chữ của văn bản mà nhiều khi đã hoặc rất lạc hậu/lỗi thời không còn phù hợp bối cảnh thay đổi, hoặc bị các nhóm lợi ích trục lợi chính sách làm cho méo mó, gài cắm nhũng nhiễu, nặng nề quy trình thủ tục, thậm chí tăng giấy phép con.

Thay đổi thể chế sẽ làm nền tảng để tạo dựng một trật tự kinh doanh mới, một nền tảng tăng trưởng mới cho Việt Nam trong thời gian tới. Để tạo sức khoẻ bền bỉ, hành lang thông suốt cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và sự phát triển cao và bền vững của nền kinh tế nói chung, thì phải tạo ra được môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân rất  kỳ vọng NQ 02 mới của chính phủ đã được ban hành đầu năm 2024,  sẽ tạo ra động lực cạnh tranh và đổi mới mạnh mẽ từ các bộ ngành, địa phương, lan tỏa xuống các ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam, giúp kinh tế Việt Nam dương buồm đón gió ra khơi trên biển lớn toàn cầu.

BÀI LIÊN QUAN
Bạn đang đọc bài viết "Xóa bỏ chồng chéo mâu thuẫn trong pháp luật để kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển" tại chuyên mục Tư vấn - Bàn tròn. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com