Cần nghiêm cấm chuyển nguồn nước giữa các lưu vực sông

31/08/2023 23:07

Theo dõi trên

Cần nghiêm cấm việc chuyển nguồn nước giữa các lưu vực sông và có thể đưa nội dung này vào Luật, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị tại phiên thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ngày 28/8.

dai-bieu-quoc-hoi-tran-van-lam-pld-1693497847.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang).

Góp ý về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Lâm đánh giá dự án Luật này được tiếp thu, chỉnh sửa khá chất lượng và bày tỏ đồng tình với việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Đề cập về Điều 38 quy định việc chuyển nguồn nước giữa các lưu vực sông, đại biểu Trần Văn Lâm, đây là vấn đề quan trọng liên quan đến an toàn hệ sinh thái, tôn trọng tự nhiên và bảo vệ sinh thái tự nhiên.

Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, nếu như chúng ta tiếp tục cho phép chuyển nguồn nước dù có kiểm soát thì ít nhiều vẫn ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong lưu vực sông. Do đó, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cần nghiêm cấm việc chuyển nguồn nước giữa các lưu vực sông và có thể đưa nội dung này vào Luật, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu.

Về nguồn sinh thủy và giữ nước, theo đại biểu Trần Văn Lâm cần tăng hệ số an toàn các hồ đập để trữ nước. Mặc dù là giải pháp kỹ thuật hoàn toàn khả thi, nhưng đại biểu Trần Văn Lâm đánh giá đây chỉ là giải pháp ngọn vẫn cần tiếp tục làm nhưng cần giải pháp gốc là tăng khả năng trữ nước của thảm thực vật trên lưu vực.

“Vấn đề ở đây là cần tăng khả năng sinh thủy của các lưu vực sông, để cấp nước cho các hồ đập tự nhiên hoặc hồ nhân tạo để bảo vệ năng lực và hiệu quả hoạt động của các công trình hồ đập”, đại biểu Trần Văn Lâm nói.

Góp ý về về quy định vận hành hồ chứa, liên hồ chứa tại Điều 38, khoản 7, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đề nghị cân nhắc quy định giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức xây dựng quy chế phối hợp vận hành giữa các  đập, hồ chứa bậc thang trên sông suối.

dai-bieu-quoc-hoi-tran-dinh-gia-pld-1693497847.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (Hà Tĩnh).

“Bởi, thực tế điều kiện, nhân lực, nguồn lực quản lý về tài nguyên nước tại địa phương hiện nay còn thiếu và yếu chưa đảm bảo để thực hiện nội dung này”,  đại biểu Trần Đình Gia kiến nghị.

Về đăng ký cấp phép khai thác tài nguyên nước tại Điều 53, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị không quy định cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước đối với các hồ chứa thủy lợi trong trường hợp cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi bao gồm tưới cho cây trồng và cấp nước cho sản xuất muối, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, nhằm  hạn chế lãng phí ngân sách nhà nước trong việc thực hiện cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước.

Phát biểu ý kiến về Điều 54 trong dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho biết, Điều 54 của dự thảo Luật đang quy định giấy phép khai thác tài nguyên nước, gồm giấy phép khai thác nước mặt, giấy phép khai thác nước dưới đất, giấy phép khai thác nước biển.

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật lại chưa có quy định nào về thời hạn của các loại giấy phép này. Do đó, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về thời hạn giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

“Thực tế, việc cấp các loại giấy phép trong các lĩnh vực đều có thời hạn và gia hạn theo Luật định. Như vậy, việc bổ sung quy định thời hạn giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước là phù hợp, tránh tạo ra sự thiếu đồng bộ và tạo thành cơ chế xin – cho”, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ.

Bạn đang đọc bài viết "Cần nghiêm cấm chuyển nguồn nước giữa các lưu vực sông" tại chuyên mục Tài nguyên. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com