Đề xuất quy định đặc thù về tiền lương, thu nhập tăng thêm đối với CBCCVC Thủ đô

21/09/2023 13:35

Theo dõi trên

Dự thảo Luật Thủ đô quy định cụ thể về đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo; quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô.

bo-truong-bo-tu-phap-le-thanh-long-trinh-bay-to-trinh-pld-1695277757.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình.

Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô

Ngày 20/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trình bày tờ trình tóm tắt dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc ban hành luật là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TƯ, Nghị quyết số 30-NQ/TƯ, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) xây dựng dựa trên 5 quan điểm chỉ đạo: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô 2012; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.

Tăng cường năng lực cho HĐND thành phố Hà Nội

Dự thảo luật được bố cục thành 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều). 

Về mô hình tổ chức chính quyền Thủ đô, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 (không tổ chức HĐND phường) và bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội.

Tăng cường năng lực của HĐND thành phố trên cơ sở kế thừa, bổ sung Nghị quyết số 160/2021/QH14. 

Theo đó tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (từ 2 lên tối đa 3).

Đồng thời mở rộng thành phần Thường trực HĐND so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (bổ sung Ủy viên là Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Hà Nội) nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của HĐND.

pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-khac-dinh-dieu-hanh-phien-hop-pld-1695277757.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Đề xuất quy định đặc thù về tiền lương, thu nhập tăng thêm CBCCVC Thủ đô

Dự thảo Luật Thủ đô quy định cụ thể về đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo; được ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; được ký hợp đồng làm việc thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục.

Tương tự như chính sách đặc thù đang áp dụng đối với thành phố Hồ Chí Minh, dự thảo quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô, dự thảo Luật quy định phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ xuống cho UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho Hà Nội trong quản lý, thực hiện quy hoạch.

Về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội Thủ đô, dự thảo Luật đã bổ sung 3 lĩnh vực mà HĐND thành phố Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định. Bên cạnh đó, còn quy định biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính chưa được pháp luật hiện hành quy định là ngừng cung cấp dịch vụ tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.

Phân quyền thẩm quyền đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội. Đồng thời, để tạo sự linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn tại Thủ đô, dự thảo Luật cho phép Hà Nội ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.

“Trong quá trình chỉnh lý dự thảo Luật, hiện còn 1 nội dung quy định về biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức của thành phố Hà Nội được đề nghị tiếp tục xin ý kiến; trong đó đề nghị xem xét, tăng thẩm quyền cho thành phố Hà Nội chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói.

Bạn đang đọc bài viết "Đề xuất quy định đặc thù về tiền lương, thu nhập tăng thêm đối với CBCCVC Thủ đô" tại chuyên mục Chính sách - Sự kiện. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com