“Hái ra tiền” từ du lịch canh nông

Lưu Bang

14/06/2023 15:29

Theo dõi trên

Việc kết hợp du lịch với nông nghiệp không những góp phần tăng nguồn thu nhập cho người dân mà còn tạo ra những sản phẩm du lịch mới, mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho khách du lịch.

nhieu-dia-diem-co-loi-the-kinh-doanh-du-lich-tren-dat-nong-nghiep-pld-1686731165.jpg

Nhiều địa điểm có lợi thế kinh doanh du lịch trên đất nông nghiệp

Nói đến sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp sẽ không thể không kể đến các địa điểm như hoạt động du lịch canh nông tỉnh Lâm Đồng, du lịch cộng đồng tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam),…

Ngày 8/6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, địa phương đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đoàn thẩm định và ra quyết định công nhận Mô hình “Điểm du lịch canh nông” cho 33 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng đã phối hợp với UBND thành phố Đà Lạt tiếp nhận và cấp chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho 761 đơn vị, trong đó có 11 đơn vị du lịch canh nông.

Thời gian qua, đã có 5 đơn vị đề xuất thực hiện dự án đầu tư du lịch canh nông tại tỉnh. Đến nay, đã có 02 đơn vị được cấp quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư dự án, gồm dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch canh nông Thảo Nguyên của Công ty TNHH Du lịch canh nông Đà Lạt Ong Vàng và dự án điểm du lịch canh nông Anpha Farm của công ty TNHH Anpha Farm.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cũng đã cấp thẻ hướng dẫn viên tại điểm cho 198 hướng dẫn viên tại các điểm du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm, các ngành, địa phương và các đơn vị kinh doanh du lịch dịch vụ đã tích cực phối hợp triển khai Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Sản phẩm du lịch canh nông đã từng bước phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương; ổn định cuộc sống của người dân trong vùng; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; góp phần bảo vệ môi trường, đặc biệt cộng đồng cư dân nơi triển khai mô hình được hưởng lợi từ việc phát triển các mô hình du lịch canh nông.

du-khach-quoc-te-tham-quan-trai-nghiem-lam-nong-dan-tai-lang-rau-tra-que-hoi-an-pld-1686731165.jpg
Du khách quốc tế tham quan, trải nghiệm làm nông dân tại làng rau Trà Quế, Hội An. Ảnh: L.B

Tương tự Lâm Đồng, nhờ vào việc kết hợp giữa du lịch và canh tác nông nghiệp mà đời sống của người dân khu vực làng rau Trà Quế và nhiều khu vực vùng ven phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã giàu lên nhanh chóng.

Nhiều người dân địa phương cho biết, nhờ vào sự phát triển của ngành du lịch địa phương, họ vừa có thể tiếp tục canh tác và làm giàu ngay trên mảnh đất nông nghiệp của gia đình.

Theo người dân, tại khu vực Làng rau Trà Quế hiện nay có nhiều nhà hàng ẩm thực, mỗi ngày đón hàng trăm lượt du khách quốc tế tìm đến trải nghiệm cách trồng rau, bón phân, tưới nước và cả việc học tập cách nấu những món ăn địa phương.

Bên cạnh làng rau Trà Quế, nhiều địa phương khác tại vùng ven phố cổ Hội An cũng đã và đang phát triển rất mạnh mẽ các hoạt động du lịch cộng đồng trên đất nông nghiệp.

Cơ hội phát triển mới

Nhằm mục đích tạo điều kiện cho việc xây dựng và nhân rộng các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh, mới đây Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị đánh giá và đề xuất giải pháp thực hiện phát triển du lịch canh nông.

Ngày 7/6 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết đã xây dựng dự thảo Quyết định ban hành Quy chế về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023-2030.

Quy chế này sẽ thay thế cho Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành kèm theo Quyết định số 933/QĐ-UBND ngày 13/4/2021 của UBND tỉnh.

Để hoàn thiện nội dung dự thảo nói trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị các đơn vị quan tâm tham gia đóng góp ý kiến.

nhieu-ho-gia-dinh-tai-thanh-pho-hoi-an-dang-lam-giau-tren-manh-dat-nong-nghiep-ket-hop-voi-kinh-doanh-du-lich-pld-1686731165.jpg
Nhiều hộ gia đình tại thành phố Hội An đang làm giàu trên mảnh đất nông nghiệp kết hợp với kinh doanh du lịch. Ảnh: L.B

Trong khi đó, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) đang lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hội An đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương trong thời gian tới, trong đó có lĩnh vực du lịch.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hội An đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phát triển thành phố Hội An là đô thị hạt nhân du lịch trong tam giác di sản quốc tế Hội An – Mỹ Sơn – Cù Lao Chàm, hình thành cụm đô thị Hội An trong mối quan hệ với vùng phụ cận.

Đồng thời phát triển đô thị Hội An có tính chất là đô thị chuyên ngành du lịch, văn hóa của tỉnh và quốc gia; trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm văn hóa và lễ hội mang tính dân tộc cấp quốc gia, có đủ năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế;…

Hiện Quảng Nam đang xây dựng dự thảo Đề án, Nghị quyết về xây dựng và phát triển Hội An theo định hướng thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch cũng mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho ngành du lịch Hội An, trong đó có hoạt động du lịch cộng đồng.

Bạn đang đọc bài viết "“Hái ra tiền” từ du lịch canh nông" tại chuyên mục Du lịch. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com