Kinh doanh nhà trọ có bắt buộc đăng ký giấy phép?

02/05/2023 18:05

Theo dõi trên

Kinh doanh nhà trọ là hoạt động thương mại rất phổ biến, đặc biệt là ở các thành phố lớn, có nhu cầu cao về nhà ở như Hà Nội, TP. HCM,… Theo quy định của pháp luật, kinh doanh nhà trọ bắt buộc phải đăng ký giấy phép kinh doanh.

Nhà Trọ, Phòng Trọ Là Gì?

Nhà trọ, phòng trọ là khái niệm dành cho những ngôi nhà hoặc cơ sở được đầu tư và xây dựng để phục vụ mục đích kinh doanh. Những địa điểm này là nơi cung cấp chỗ ở, chỗ ngủ lại cho khách thuê. Người muốn thuê nhà trọ hay phòng trọ cần phải trả cho chủ nhà một khoản phí theo thỏa thuận để được sử dụng căn nhà trọ hay phòng trọ đó trong một thời gian nhất định.

Trước đây, nhà trọ, phòng trọ thường được xây dựng bám theo mặt đường ở các khu dân cư. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thuê trọ tăng lên thì nhà trọ dần xuất hiện nhiều trong các hẻm, ngõ. Ở những vị trí khác nhau thì ngân sách dành cho việc thuê phòng trọ cũng khác nhau.

Nhà trọ, phòng trọ được đầu tư và xây dựng để phục vụ mục đích kinh doanh nhà trọ.

Những Hình Thức Thương Mại Nào không Cần Đăng Ký Kinh Doanh

Theo quy định tại Nghị định 39/2007/NĐ-CP, các hoạt động kinh doanh không cần đăng ký gồm có:

– Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

– Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

– Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

– Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;

– Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

– Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

Như vậy, vì không thuộc danh mục trên nên kinh doanh nhà trọ thuộc đối tượng cần phải đăng ký kinh doanh.

Kinh doanh nhà trọ thuộc đối tượng cần phải có giấy phép kinh doanh

1. Bị Phạt Bao Nhiêu Tiền Nếu Kinh Doanh Nhà Trọ Không Có Giấy Phép?

Kinh doanh nhà trọ là ngành nghề phải đăng ký kinh doanh. Vì vậy, người cho thuê nhà trọ để kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định thì cá nhân, tổ chức vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể:

Điều 6. Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

  1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh không đúng địa điểm, trụ sở ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

  2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.

  3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

2. Kinh Doanh Nhà Trọ Có Đóng Thuế Không?

Theo quy định của pháp luật, đối với hoạt động kinh doanh phòng trọ có doanh thu hàng năm bằng hoặc dưới 100 triệu đồng thì không cần kê khai hay nộp bất cứ loại thuế nào.

Đối với hoạt động kinh doanh phòng trọ có doanh thu hàng năm trên 100 triệu đồng phải đóng đầy đủ 3 loại thuế sau: Thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Thủ Tục Đăng Ký Kinh Doanh Nhà Trọ 2023

Hồ sơ xin giấy phép kinh doanh nhà trọ theo hình thức hộ kinh doanh và doanh nghiệp kinh doanh bao gồm những gì?

1. Xin Cấp Giấy Phép Kinh Doanh Đối Với Cá Nhân Kinh Doanh Nhà Trọ

Hồ sơ xin giấy phép kinh doanh nhà trọ theo hình thức hộ kinh doanh bao gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;

  • Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

  • Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

  • Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

2. Xin Cấp Giấy Phép Kinh Doanh Đối Với Doanh Nghiệp Kinh Doanh Nhà Trọ

Hồ sơ xin giấy phép kinh doanh nhà trọ theo hình thức doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

  • Điều lệ công ty (hoặc dự thảo điều lệ nếu chưa có quyết định chính thức);

  • Văn bản nêu rõ danh sách những cổ đông và thành viên sáng lập công ty (danh sách cổ đông, danh sách thành viên);

  • Bản sao các giấy tờ chứng thực thành viên, người đại diện theo pháp luật (chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước);

  • Giấy tờ chứng thực thành viên, người đại diện theo pháp luật;

  • Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực của người đại diện theo ủy quyền và người đại diện theo pháp luật;

  • Văn bản xác nhận vốn pháp định.

Trên đây là những thông tin cần thiết về hoạt động kinh doanh nhà trọ năm 2023. Batdongsan.com.vn cũng tin rằng bạn đọc đã hiểu rõ ràng về trình tự, thủ tục và hồ sơ để nộp đơn đăng ký giấy phép kinh doanh đối với hoạt động cho thuê nhà trọ/phòng trọ.

Bạn đang đọc bài viết "Kinh doanh nhà trọ có bắt buộc đăng ký giấy phép?" tại chuyên mục Tư vấn - Bàn tròn. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com