
Theo Đề án vừa được ban hành, giai đoạn từ nay đến năm 2026, tỉnh Thanh Hóa sẽ từng bước sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và số lượng người làm việc của 30 ban quản lý dự án nhằm đảm bảo phù hợp thực tiễn và tinh gọn bộ máy hiệu quả.
Cùng với đó, hàng loạt thay đổi cũng được triển khai trong lĩnh vực giáo dục, y tế và cung ứng dịch vụ công. Cụ thể, các trường học sẽ chuyển về xã/phường quản lý, còn các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm y tế cấp huyện sẽ chuyển về sở ngành quản lý theo khu vực liên xã mới.
Một thay đổi lớn khác là việc giải thể hàng loạt đơn vị cấp huyện hiện nay như Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch... để thành lập các trung tâm dịch vụ công liên xã, liên phường, thuộc xã/phường mới sau sắp xếp.
Tổng số cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cấp xã hiện nay lên tới gần 15.000 người. Sau khi sắp xếp, tỉnh Thanh Hóa ước tính sẽ dôi dư khoảng 3.600 người, tương ứng khoảng 25% nhân sự hiện tại. Đề án cũng đưa ra nhiều phương án xử lý dôi dư như: nghỉ hưu đúng tuổi, tinh giản biên chế, vận động nghỉ hưu sớm, hoặc cho nghỉ với chế độ phù hợp nếu năng lực yếu hoặc có sai phạm.
Với tổ chức chính quyền cấp xã mới, UBND cấp xã sẽ có 4 cơ quan chuyên môn gồm: Văn phòng HĐND-UBND; Phòng Kinh tế (hoặc Hạ tầng - Đô thị); Phòng Văn hóa - Xã hội và Trung tâm Phục vụ Hành chính công.
Đây được xem là một trong những cuộc cải tổ hành chính quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Thanh Hóa, đặt mục tiêu tinh gọn nhưng hiệu quả, tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo hoạt động thông suốt sau khi địa giới hành chính được điều chỉnh.