TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP 1945 - GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ HIỆN THỰC

 Đại tá, TS Bùi Quang Huy (Phó chủ nhiệm khoa nhà nước và pháp luật Trường Sĩ quan Chính trị-Bộ Quốc phòng)

01/09/2021 21:23

Theo dõi trên

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bản Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, ý nghĩa lịch sử.

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.)

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp đối với nước ta, mở ra kỷ nguyên độc lập, lần đầu tiên tên nước Việt Nam có tên bản đồ thế giới; đồng thời đã mở ra mối quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới với tư cách và vị thế của một quốc gia - dân tộc có độc lập, có chủ quyền. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.

Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 là văn kiện mang giá trị thời đại sâu sắc. Kế thừa những tinh hoa, tiến bộ trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Cách mạng Pháp, ngay mở đầu Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chân lý lịch sử: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đó là sự khẳng định một cách rất rõ ràng về quyền của con người, cho dù con người đó được sinh ra từ đâu, vào thời điểm nào thì họ đều có quyền và được hưởng quyền con người, mà cụ thể là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đây là “những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Từ sự khẳng định về chân lý lịch sử đó và từ quyền của mỗi người, của mọi người, trong Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã “suy rộng ra” để nâng lên tầm cao mới: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Đây là điểm đặc sắc mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh với tầm nhìn thời đại, đã vượt lên trên các bản tuyên ngôn trước đó tư tưởng về nhân quyền - quyền của mỗi người nâng lên thành quyền dân tộc.

Chính điều này mà Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đã thể hiện giá trị thời đại sâu sắc. Bởi, nó không chỉ là bản tuyên ngôn của dân tộc Việt Nam, mà đã trở thành tuyên ngôn về quyền độc lập, tự do của tất cả các dân tộc bị áp bức, đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Đây thực sự là một văn bản pháp lý rất hiện đại, một đạo luật mới của nhân dân thế giới, khẳng định quyền tự do, độc lập, bất khả xâm phạm của các dân tộc trên thế giới, kể cả những dân tộc nhỏ, yếu, đang bị áp bức.

Tuyên ngôn Độc lập là bản cáo trạng đối với thực dân Pháp và phát xít Nhật - nguyên nhân chủ yếu gây ra nỗi thống khổ cho dân tộc Việt Nam. Trước quốc dân Việt Nam và thế giới, Tuyên ngôn Độc lập đã lên án mạnh mẽ hành động cướp nước, chế độ thống trị hà khắc của thực dân Pháp và phát xít Nhật đối với dân tộc Việt Nam. Chúng đã ngụy biện cho hành động xâm lược của mình để rồi chà đạp và cướp đi quyền con người, quyền của một dân tộc; vì vậy mà người dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam không có được cái quyền tất yếu đó.

Khi phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương, thực dân Pháp còn hèn hạ quỳ gối đầu hàng để rước chúng vào đô hộ nước ta, làm cho nhân dân ta phải chịu hai tầng xiềng xích. Trước đó, người dân vốn đã cực khổ trăm đường do thực dân Pháp gây ra, giờ đây lại càng cực khổ, nghèo nàn hơn, do chính sách dã man của Nhật, làm cho hai triệu đồng bào ta chết đói trong năm 1945. Do vậy, bản cáo trạng đanh thép đó đã giúp nhân dân ta thấu hiểu hơn nguyên do của sự đói khổ, đau thương là chính sách lừa bịp, đàn áp, bóc lột dã man của chế độ thực dân, phát xít. Từ đó, tận dụng thời cơ “có một không hai” - Nhật đầu hàng Đồng minh, bằng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, nhất tề đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nhà nước độc lập, tự do của dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây thực sự là thành quả vĩ đại của toàn thể dân tộc Việt Nam. Chúng ta đã đánh đổ các xiềng xích của thực dân gần 100 năm để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập và đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ để lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa.

Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyết tâm giữ vững quyền tự do và độc lập mà nhân dân ta đã giành được. “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Lời kết thúc bản Tuyên ngôn đã khẳng định đanh thép ý chí, quyết tâm của dân tộc, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ thành quả quý giá, lớn lao nhất, đó là: quyền độc lập, tự do, quyền tồn tại của một dân tộc, quốc gia độc lập.

Tư tưởng đó đã củng cố ý chí quyết tâm và khát vọng theo đuổi cho nền độc lập, tự do trọn vẹn ấy của dân tộc. Nhờ đó, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã kiên trì thực hiện cuộc trường chinh 30 năm (1945 - 1975) đầy hy sinh, gian khổ và anh dũng để chiến đấu đánh bại hai tên đế quốc lớn - Pháp và Mỹ, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Tiếp đó lại kiên cường chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam cũng như công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đó chính là ý chí quyết tâm và khát vọng theo đuổi nền độc lập, tự do trọn vẹn cho dân tộc đã khẳng định trong Tuyên ngôn, được cụ thể hóa bằng tinh thần bất diệt: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” trong kháng chiến chống thực dân Pháp; bằng chân lý lịch sử: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Đã 76 năm trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của Bản Tuyên ngôn Độc lập đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đến nay vẫn còn nguyên giá trị, những tư tưởng bất hủ của Tuyên ngôn Độc lập tiếp tục định hướng cho cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trên cơ sở khái quát những thành tựu 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta khẳng định: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử”, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đến nay đã hơn bảy thập kỷ, nhưng vẫn trường tồn cùng dân tộc. Chính thời gian càng làm cho Tuyên ngôn sâu đậm thêm những giá trị lịch sử và hiện thực, tiếp tục định hướng cho dân tộc Việt Nam kiên định phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bạn đang đọc bài viết "TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP 1945 - GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ HIỆN THỰC" tại chuyên mục Sự kiện. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com