Đề nghị các địa phương bố trí kinh phí phòng chống bệnh truyền nhiễm

21/03/2023 09:38

Theo dõi trên

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; bố trí kinh phí, bảo đảm nguồn lực và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác phòng, chống dịch.

bo-y-te-de-nghi-cac-dia-phuong-bo-tri-kinh-phi-va-co-ke-hoach-phong-chong-benh-truyen-nhiem-pld-1679366192.jpg
Bộ Y tế đề nghị các địa phương bố trí kinh phí và có kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm. Ảnh: VGP/HM

Theo nhận định của Bộ Y tế, với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao do các quốc gia đã mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19, cùng với thời tiết thay đổi bất thường đã làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sởi… 

Bên cạnh đó, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi, tái nổi cũng đang tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập, lây lan rộng.

Trên thế giới hiện vẫn tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc, tử vong do các bệnh lây truyền từ động vật sang người, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi tại nhiều quốc gia; một số bệnh lưu hành, bệnh có vaccine dự phòng cũng gia tăng số mắc ở nhiều nơi.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, dịch COVID-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế với mức độ nguy cơ cao trong bối cảnh đáp ứng khác nhau giữa các quốc gia. 

Ðến nay, thế giới đã ghi nhận khoảng 678 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 6,7 triệu ca tử vong kể từ đầu dịch.

Ngoài ra, bệnh cúm mùa hằng năm vẫn ghi nhận khoảng hơn 1 tỷ trường hợp mắc, trong đó có khoảng từ 3 đến 5 triệu ca bệnh nặng và có từ 291.000 – 646.000 trường hợp tử vong. 

Bệnh đậu mùa khỉ, bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân cũng đã xuất hiện và lây lan tại nhiều quốc gia. Ðây là các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu cần quan tâm trong năm 2022.

Tại Việt Nam, đến nay cả nước ghi nhận hơn 11,5 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 43.000 ca tử vong. Năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 371.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 144 trường hợp tử vong, tăng hơn 5 lần so với năm trước và cao hơn số mắc trung bình năm các giai đoạn trước. 

Việt Nam cũng đã ghi nhận 2 trường hợp mắc đậu mùa khỉ là các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài và 1 trường hợp dương tính với cúm A(H5N1).

Theo các chuyên gia, các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi chủ yếu là bệnh từ động vật hoang dã lây sang người; bệnh do động vật không hoang dã, động vật nuôi trong gia đình lây sang người; bệnh xuất hiện do các véc-tơ truyền. Nguyên nhân là do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa và di dân gia tăng.

Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh năm 2023, Bộ Y tế tiếp tục cập nhật, hoàn thiện, ban hành phương án bảo đảm công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống công bố dịch kết thúc khi tổ chức WHO khuyến cáo.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ y tế các tuyến giám sát và phòng chống các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ...; hướng dẫn phân vùng dịch tễ các bệnh do ký sinh trùng thường gặp; hướng dẫn giám sát dựa vào sự kiện; hướng dẫn chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm...

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; bố trí kinh phí, bảo đảm nguồn lực và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác phòng, chống dịch.

Ngành y tế các địa phương tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; thúc đẩy nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động y tế dự phòng và y tế cơ sở, nhất là tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, biên giới, hải đảo...

Bạn đang đọc bài viết "Đề nghị các địa phương bố trí kinh phí phòng chống bệnh truyền nhiễm" tại chuyên mục Dân sinh. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com