Lâm Đồng: Siết chặt điều kiện tách thửa khiến người dân gặp khó

Lưu Bang

26/02/2023 14:31

Theo dõi trên

Nhằm chấn chỉnh và khắc phục những sai phạm trong hiến đất làm đường và phân lô bán nền tràn lan, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quy định mới về việc điều kiện hợp thửa, tách thửa. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc cho người dân địa phương.

giao-dich-nha-dat-lam-dong-pld-1677396525.jpeg

Người dân gặp khó khăn

Sau khi trải qua một giai đoạn sốt đất kéo dài, giao dịch nhà đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã giảm mạnh.

Thống kê từ Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho biết, nếu như trong quý 1/2022, trên toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 12.467 giao dịch đất nền, thì sang đến quý 2/2022 lượng giao dịch tăng mạnh lên 19.669. Bước sang quý 4/2022, lượng giao dịch đất nền trên địa bàn tỉnh bất ngờ giảm mạnh xuống còn 6.633 giao dịch.

Nhằm chấn chỉnh và khắc phục sai phạm trong hiến đất làm đường và phân lô bán nền tràn lan, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quy định mới về việc điều kiện hợp thửa, tách thửa. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế đã gặp phải vướng mắc khiến người dân địa phương gặp khó khăn.

UBND huyện Đạ Tẻh cho biết, từ khi áp dụng quy định tại văn bản số 4911/UBND-ĐC ngày 05/7/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng, tất cả các trường hợp tách thửa chuyển nhượng của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện không được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận xem xét giải quyết.

Lý do được cơ quan chức năng đưa ra là vì các trường hợp tách thửa liên quan đến chuyển nhượng là thuộc trường hợp kinh doanh bất động sản nên phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và lập dự án đầu tư...

UBND huyện Đạ Tẻh cho rằng, trên thực tế, nhiều hộ gia đình, cá nhân khó khăn có nhu cầu tách thửa chuyển nhượng nhằm phục vụ các mục đích chính đáng của gia đình như xây dựng nhà ở, trang trải kinh phí sinh hoạt, khám chữa bệnh chăm sóc sửc khỏe, việc học hành cho con, đầu tư ngành nghề khác để phát triển kinh tế gia đình.

Việc tách thửa nhằm phục vụ các mục đích chính đáng nhưng không được giải quyết nên người dân rất khó khăn.

Mặt khác, nếu việc không xem xét giải quyết hồ sơ tách thửa chuyển nhượng kéo dài sẽ làm giảm hoạt động mua bán đất đai, người dân không chuyển nhượng được đất nên cũng không có nhu cầu, không có tiền để chuyển mục đích sử dụng đất từ đó ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện.

Bên cạnh vướng mắc nêu trên thì còn có vướng mắc khác liên quan đến việc yêu cầu mỗi người nhận tặng, cho chỉ được nhận một thửa đất sau khi tách thửa áp dụng đối với trường hợp chưa phù hợp, đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Theo UBND huyện Đạ Tẻh, phần lớn giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn huyện đều có sự thống nhất, phù hợp, nhưng cơ quan giải quyết thủ tục tách thửa để thừa kế hoặc tặng cho vẫn áp dụng yêu cầu mỗi người nhận tặng cho chỉ được nhận 01 thửa đất sau khi tách thửa theo điểm b, mục 2, văn bản số 4911/UBND - ĐC ngày 05/7/2022 là chưa phù hợp.

tach-thua-lam-dong-pld-1677396526.png

Trường hợp nào tách thửa phải lập dự án kinh doanh bất động sản?

Trước thực tế những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tách thửa đất như nêu trên, UBND huyện Đạ Tẻh đã mạnh dạn kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét trường hợp tách thửa mà không cần phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.

Theo đó, cần quy định cụ thể về quy mô diện tích, số thửa đất sau khi tách, số lần thực hiện tách thửa chuyển nhượng trong một năm.

Từ đó có thể áp dụng đối với trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của mình thì được tách thửa chuyển nhượng, cho thuê theo quy định tại Quyết định số 40/QĐ-UBND ngày 01/11/2021 của UBND tỉnh mà không cần phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cần có hướng dẫn cụ thể quy trình, thành phần hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền giải quyết để cho các trường hợp kinh doanh bất động sản thuộc trường hợp phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, lập dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản lập hồ sơ theo đúng quy định.

UBND huyện Đạ Tẻh cũng kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo cơ quan tiếp nhận giải quyết hồ sơ tách thửa (để thừa kế hoặc tặng cho) đối với trường hợp có sự thống nhất, phù hợp giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Đối với các trường hợp này, việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết hồ sơ tách thửa đất, hợp thửa đất sẽ theo quy định tại Quyết định số 40/QĐ-UBND ngày 01/11/2021.

Bạn đang đọc bài viết "Lâm Đồng: Siết chặt điều kiện tách thửa khiến người dân gặp khó" tại chuyên mục Địa ốc. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com