Người trẻ mua nhà: Muốn “flex” bản thân hay thực sự cần nơi gọi là “nhà”

Bảo Minh

20/01/2024 11:45

Theo dõi trên

Người trẻ mua nhà thường nhận được sự ngưỡng mộ, sự thán phục, có chút ganh tị của người thân, bạn bè nên một bộ phận thế hệ Millennials-Z nhầm lẫn đó là “thành công”, nhưng ẩn sau đó là những câu chuyện dở khóc, dở cười.

Hoài Anh (27 tuổi, nhân viên truyền thông) vừa khoe căn nhà tại Hà Nội cô mua cách đây hai năm, trả góp theo tiến độ. Sau bài viết đăng trên trang cá nhân cô nhận được “cơn mưa” lời khen từ bạn bè và cả những người xa lạ.

“Còn trẻ mà giỏi quá”, “Nhà đẹp quá, giới trẻ bây giờ giỏi thật đó”, “Cách mình 10 tuổi mà người ta có nhà, mình vẫn còn thuê phòng trọ 20m2. Ngưỡng mộ thật”… Đó là hàng loạt bình luận mà những người không quen biết dành cho Hoài Anh.

img-20240120-093501-1705725739.jpg

 

Vui đấy! Nhưng để sở hữu được căn hộ này, Hoài Anh phải làm việc 16 tiếng/ngày với nhiều công việc khác nhau. Có những lúc mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi, nhưng nghĩ đến việc hàng tháng phải trả gốc và lãi cho ngân hàng hàng chục triệu đồng, Hoài Anh lại cảm thấy nghẹt thở.

Cô nàng cho hay, căn hộ cô mua có giá 2,2 tỉ đồng, rộng 50m2 tại quận Hà Đông, Hà Nội. Trong đó, vốn tự có là 500 triệu đồng, bố mẹ cho 700 triệu đồng, vay thêm người thân, bạn bè 300 triệu đồng, còn lại Hoài Anh vay ngân hàng với thời gian 20 năm.

Công việc chính của Hoài Anh là nhân viên truyền thông với thu nhập 12 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, cô làm thêm công việc bên ngoài, thu nhập mỗi tháng khoảng 6-7 triệu đồng. Sau khi trừ hết mọi chi phí và trả nợ ngân hàng, Hoài Anh chỉ vừa đủ, không có dư. Thậm chí có tháng cô phải vay mượn do thu nhập từ những công việc phụ không có nhiều.

img-20240120-093413-1705725766.jpg

Hàng loạt bình luận bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho Hoài Anh.

Chia sẻ về quyết định mua nhà độ tuổi còn trẻ và số tiền vay lớn, Hoài Anh cho biết cô mua nhà vì nhiều lý do, trong đó một phần vì muốn “flex” bản thân.

“Mình chơi cùng một hội bạn, hầu hết họ đều giỏi, thu nhập tốt và có nhà riêng. Có người con nhà giàu, được bố mẹ mua cho nhưng khi chơi chung mình vẫn thấy mặc cảm. Mình cũng muốn có không gian riêng để “chill” mỗi ngày, nên khi tích góp được 500 triệu đồng sau 5 năm làm việc không ngừng nghỉ, mình xin bố mẹ được mua nhà ở riêng.

Đó là thành quả xứng đáng, nhưng hiện tại mình lại thấy vô cùng áp lực vì phải làm quá nhiều thời gian trong ngày, nếu không làm lại không thể đủ trả nợ. Nói thật là có chút hối hận” – Hoài Anh bày tỏ.

Là nơi để ở hay “nuôi” áp lực?

Theo các chuyên gia, thế hệ cha ông và những người lớn tuổi cùng quan điểm thận trọng sẽ cảm thấy an toàn hơn khi tiêu xài vừa đủ trong số tiền mình có được, không vay nợ, không rắc rối. Nhưng người trẻ lại có một suy nghĩ khác.

Họ xem xét vấn đề vay tiền đơn giản hơn nhiều, nhỏ thì phục vụ công việc để kiếm nhiều tiền hơn, lớn thì tận dụng thời cơ để sở hữu khối tài sản có ý nghĩa quan trọng.

aplucmuanha-1705725804.jpg

Người trẻ đối mặt với áp lực mua nhà khi không cân đối được tài chính - Ảnh minh họa.

Trường hợp của anh Đình Dũng (25 tuổi, Hà Tĩnh) cũng là một ví dụ điển hình. Anh đã liều vay ngân hàng 70% giá trị căn hộ mà không cân nhắc khả năng tài chính trước khi quyết định mua nhà. Nhưng bù lại, khoản vay đã nhanh chóng giúp anh sở hữu một khối tài sản lớn gấp nhiều lần lương tháng và nếu đợi để dành đủ tiền chắc phải mất 10 năm nữa có được.

Anh Dũng cho biết thu nhập của anh trung bình 30 triệu/tháng. Đầu năm 2022, anh  vay ngân hàng 1 tỉ đồng và người thân cùng với khoản tiết kiệm để mua căn hộ hơn 2 tỉ đồng. Anh khá tự tin với nhiều khoản thu nhập nên việc trả nợ số tiền lãi hơn 11 triệu đồng/tháng là dễ dàng.

Nhưng “ai biết đâu chữ ngờ”, giữa năm 2022 công ty anh thông báo giảm lương, giảm các chế độ vì gặp nhiều khó khăn… từ đó thu nhập của anh giảm gần một nửa. Đó cũng là lúc áp lực bắt đầu xuất hiện.

“Mặc dù ngôi nhà đã là tài sản của mình, nhưng thời điểm kinh tế khó khăn như lúc này, lãi ngân hàng tăng, nếu thả nổi nữa thì không biết có gồng gánh được không. Tôi từng nói với vợ mua nhà xong chưa kịp ở đã phải bán vì áp lực” – anh Dũng cho hay.

Có thể thấy, với những căn hộ trên dưới 3 tỉ đang là “nỗi sợ” của những người trẻ, với mong muốn có nhà, có nơi an cư lập nghiệp, khi muốn mua nhà buộc phải sử dụng đòn bẩy tài chính từ việc vay vốn ngân hàng.

"Nếu nguồn tài chính chưa đảm bảo mà sở hữu nhà quá sớm thì cả phần đời còn lại sẽ dành chủ yếu để đi trả nợ. Điều này cũng dẫn đến việc các bạn trẻ không còn tiền để tận dụng các cơ hội đầu tư khác", giám đốc một công ty bất động sản cho hay.

Trong bối cảnh lãi suất tăng cao, doanh nghiệp gặp khó, thực hiện chính sách sa thải nhân sự, cắt giảm lương, những người mua trẻ càng đứng trước thách thức lớn trong bài toán trả nợ.

Bạn đang đọc bài viết "Người trẻ mua nhà: Muốn “flex” bản thân hay thực sự cần nơi gọi là “nhà”" tại chuyên mục Địa ốc. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com