Phát triển bền vững du lịch vùng đồng bằng sông Hồng

14/03/2023 09:02

Theo dõi trên

Vùng đồng bằng sông Hồng có nhiều di sản, danh lam thắng cảnh và hàng nghìn di tích lịch sử, văn hóa.

hat-quan-ho-trong-le-hoi-trang-an-o-ninh-binh-pld-1678759199.jpg
Hát quan họ trong Lễ hội Tràng An ở Ninh Bình thu hút đông khách du lịch. (Ảnh XUÂN TRƯỜNG)

Đó là nguồn tài nguyên lớn, giá trị để các tỉnh, thành phố phát triển du lịch chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững, hội nhập quốc tế, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thể điều tiết kinh tế-xã hội toàn vùng.

Ngoài các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, thì một số địa phương khác trong vùng cũng đang khai thác có hiệu quả nhiều tour, tuyến du lịch liên kết như: Tuyến Hạ Long, Cát Bà-Ninh Bình; tuyến Đồ Sơn (Hải Phòng), Quảng Ninh-Ninh Bình... Hoặc đẩy mạnh liên kết với chủ đề “Hợp tác-phát huy thế mạnh-cùng phát triển”, mở hướng mới cho ngành kinh tế “xanh’’ có cơ hội phát triển mạnh mẽ.

Hợp tác phát huy thế mạnh

Nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, tỉnh Ninh Bình có Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An; có bãi bồi ven biển được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới; có vùng đất ngập nước Vân Long được công nhận là khu ramsar quốc tế.

Mỗi sản phẩm du lịch ở Ninh Bình đều mang tính riêng có, như chùa Địch Lộng được Vua Minh Mạng ví là ‘‘Nam thiên Đệ tam động’’; Tam Cốc-Bích Động được mệnh danh là Hạ Long cạn, cùng nhiều khu, điểm du lịch đặc thù mỗi năm thu hút hàng triệu khách du lịch trong nước, quốc tế đến tham quan. Sau đại dịch Covid-19, dù bị thiệt hại nặng nề, ngành du lịch Ninh Bình đã vươn lên phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn.

Nhất là từ cuối năm 2022 đến nay, Ninh Bình đã mạnh dạn tổ chức nhiều hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh trong nước. Kết quả, nhiều doanh nghiệp trong nước đã ký kết với ngành du lịch Ninh Bình biên bản thỏa thuận hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước; hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đào tạo nhân lực; ký kết thỏa thuận đầu tư xây dựng sản phẩm mới về du lịch; xây dựng tour, tuyến du lịch.

Hơn hai tháng đầu năm 2023, Ninh Bình đã đón hơn 2,3 triệu lượt khách, trong đó có hơn 90 nghìn khách quốc tế; doanh thu ước đạt hơn 1.814 tỷ đồng, tăng 6,87 lần so với cùng kỳ năm 2022. Quan trọng hơn là hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình được khẳng định rõ nét trên bản đồ du lịch Việt Nam, thế giới. Mới đây, Ninh Bình là đại diện duy nhất của Việt Nam và châu Á được ứng dụng đặt phòng Booking bình chọn là một trong 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới.

Tại tỉnh Nam Định, một số doanh nghiệp mạnh dạn phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp. Chị Bùi Thị Nhàn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Ecohost (Nam Định) cho biết: “Mô hình du lịch cộng đồng, lưu trú homestay của đơn vị được xây dựng trên cơ sở cấu trúc những ngôi nhà ba gian hơn 100 năm tuổi của người dân phố Đông Biên, thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu (Nam Định).

Sự liên kết, hợp tác với người dân dành cho khách nước ngoài du lịch được trải nghiệm cuộc sống vùng nông thôn Bắc Bộ như: Trải nghiệm nghề làm bánh nhãn ở Đông Cường; sản xuất kèn đồng ở xã Hải Minh; trải nghiệm đan lưới, đánh bắt hải sản bằng cà kheo ở xã Hải Triều. Đó là sản phẩm OCOP hiếm hoi được công nhận bốn sao được khách du lịch nước ngoài rất thích. Dự kiến, chị Bùi Thị Nhàn sẽ đào tạo cho nhiều nông dân làm du lịch cộng đồng, góp phần đưa Nam Định trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch khám phá vùng đồng bằng sông Hồng.

Với định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Hà Nam đã cụ thể hóa Nghị quyết số 12 của Đảng bộ tỉnh khóa 20: Là tập trung phát triển du lịch làm động lực phát triển dịch vụ-thương mại.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Anh Chức cho biết: Để thực hiện mục tiêu nêu trên Hà Nam đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như tuyên truyền, phổ biến pháp luật về du lịch; thực hiện hiệu quả quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch khu du lịch quốc gia Tam Chúc đến năm 2030; tạo điều kiện thu hút đầu tư cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch.

Xây dựng lộ trình liên kết hợp tác với các tỉnh lân cận và các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng. Do vậy, số lượng khách du lịch đến Hà Nam không ngừng tăng lên, bình quân lượng khách tăng trưởng từ 20%/năm đến 25%/năm. Từ đầu năm 2023 đến nay, khu du lịch Tam Chúc đón 3 triệu lượt khách trong nước, quốc tế.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, tính liên kết vùng trong phát triển du lịch còn nhiều hạn chế. Một số tài nguyên hấp dẫn mới được phát hiện chưa được tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả; sản phẩm du lịch ở nhiều địa phương trùng lặp, chưa phong phú; quảng bá xúc tiến du lịch có nơi còn rời rạc, thiếu chuyên nghiệp; nguồn nhân lực phục vụ du lịch thiếu và yếu.

Do đó, không ít địa phương chỉ thu hút được khách du lịch tham quan trong ngày; tỷ lệ khách lưu trú thấp, dù giá khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống ở nhiều địa phương khá rẻ. Ngay như tỉnh Thái Bình, dù có tiềm năng phong phú, nhưng hoạt động du lịch của tỉnh manh mún, chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng, cho nên khó có thể trở thành điểm đến hấp dẫn.

Cần xây dựng các sản phẩm đặc thù

Mới đây, tại hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Ninh Bình với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đại diện ngành chức năng khẳng định: Tài nguyên du lịch vùng đồng bằng sông Hồng phân bố rộng khắp 11 tỉnh, thành phố trong vùng. Ngoài giá trị nổi bật về di sản, danh lam thắng cảnh, ở đây có hơn 23 nghìn di tích lịch sử, văn hóa cùng hàng trăm lễ hội truyền thống.

Trong đó, tỉnh Thái Bình có 113 di tích quốc gia; tỉnh Nam Định có 1.348 di tích; tỉnh Ninh Bình có 1.821 di tích... Sau đại dịch Covid-19, du lịch các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng phục hồi khá nhanh, thu hút hàng triệu lượt khách tham quan.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: ‘‘Vùng đồng bằng sông Hồng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch cộng đồng; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Những năm qua, các địa phương đã hướng tới liên kết vùng, tạo lợi thế về quy mô phát triển du lịch, tiết kiệm được chi phí quảng bá, tổ chức các tour du lịch; và hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh”.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30 -NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định rõ:

Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững, hội nhập quốc tế và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng. Do đó, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng cần phát huy liên kết, hợp tác phát triển; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới có tính liên kết; tăng cường quảng bá sản phẩm du lịch; đẩy mạnh xúc tiến thu hút các dự án xây dựng khu du lịch quốc gia, kết nối với khu vực và quốc tế.

PGS, TS Phạm Hồng Long, Khoa Du lịch, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù từ những giá trị đặc thù, riêng có. Nâng cao hoạt động trải nghiệm cho du khách. Chú trọng đầu tư các sản phẩm du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp, gắn với tìm hiểu lịch sử, văn hóa, tìm hiểu di chỉ khảo cổ học”, góp phần phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bạn đang đọc bài viết "Phát triển bền vững du lịch vùng đồng bằng sông Hồng" tại chuyên mục Du lịch. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com